Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

CHIẾC QUAN TÀI


Chiếc Quan Tài

Một nhà sư nổi tiếng đạo đức tên là Viên Thủ Trung, trụ trì tại chùa Tô Châu, trưng bày một chiếc quan tài nhỏ trên bàn đọc sách.

Chiếc quan tài này có nắp mở ra, đóng lại được, dài khoảng 3 tấc.

Các đạo hữu thắc mắc hỏi ông: – Bạch thầy, chiếc quan tài này có ý nghĩa gì ?

Nhà sư giải thích:

– Người ta sống, tất có chết. Chết rồi thì nằm trong chiếc quan tài giống như cái này. Tôi ngạc nhiên là tại sao thiên hạ suốt cả cuộc đời cứ lo lắng, vất vả đuổi theo phú quý, công danh, tài sắc và thị hiếu, mà chẳng ai biết cái chết là gì. Mỗi khi gặp điều không được như ý, tôi liền nhìn ngắm chiếc quan tài này. Tức khắc tâm hồn tôi được yên ổn, mọi âu lo phiền muộn liền biến đi mất.

Chiếc quan tài này là một bài học luân lý đáng giá vậy.

Bạn thân mến,

– Khi nào bạn thấy khổ sở vì thiếu tiền thiếu bạc hoặc làm ăn lỗ lã, hãy bắt chước nhà sư Viên Thủ Trung, nhìn vào chiếc quan tài. Lời Thiên Chúa phán từ 2.000 năm trước như còn vang vọng đâu đây: "Ngu ơi! Nếu đêm nay Ta bắt linh hồn ngươi thì các của cải chất đống kia, ngươi sẽ để lại cho ai?" (Lc. 12, 20-21).

– Khi nào bạn thấy chán chường thất vọng vì tình duyên trắc trở, ngang trái, chiếc quan tài nhắc ta rằng mọi người rồi sẽ vào nằm trong đây và không còn ai phụ tình ai, không còn ai ruồng bỏ ai nữa.

– Khi nào bạn say men chiến thắng quyền hành, mua quan bán chức hoặc ngược lại, buồn bã vì mất quyền, mất chức thì chiếc quan tài sẽ nhắc nhở bạn rằng mọi vua chúa quan quyền trên thế gian rồi cũng sẽ nằm buông xuôi, yên lặng y hệt như những thường dân nghèo hèn nhất trong xã hội.

– Khi nào bạn thấy tình đời đen bạc, hận thù, ghen ghét, bất công bao vây đời bạn, chiếc quan tài sẽ khóa người nằm trong đó để không còn kèn cựa, tranh giành và hạ nhục nhau. Bài học tuyệt hảo của chiếc quan tài là giàu nghèo, sang hèn, vui khổ trên đời có cũng như không và không cũng như có. Chết là biểu tượng của bình dẳng, là dấu chỉ của hòa bình. Hãy nhìn xuống lòng đất ở nghĩa trang: Mỗi người, bất kể danh giá, chức phận, đều nằm ngay hàng thẳng lối, đồng đều và yên lặng, để thân xác thẩm thấu và hòa tan với cát bụi.

ST

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

CHUỘC LƯƠNG TÂM




CHUỘC LƯƠNG TÂM

Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.
 
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?”
Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.
 
Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.
 
Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.”
Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !”
 
Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.
 
Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé !” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.
 
Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.” Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên !
 
Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !”Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”

Lý Tử


Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

BẢN NHẠC NỖI TIẾNG


“Có ai bán ve chai không?”

Câu chuyện có thật đầy nước mắt về ông già câm điếc và cô ca sĩ nổi danh.
Đây là lời bài hát nổi tiếng kể về một câu chuyện có thật ở Đài Loan vào thập niên 1980, bài hát có tên: “Có ai bán ve chai không?”.  Nội dung câu chuyện thật xúc động lòng người như sau:
Một ông lão chân bị khập khiễng sống bằng nghề thu thập vỏ chai, ông bị câm điếc và phải sống đơn độc một mình, cuộc sống khá khốn khổ.
Một ngày kia ông nhặt được một em bé bị bỏ rơi trên đường phố. Ông đã ngây ngất trong niềm vui và nghĩ rằng đó là một món quà mà thượng đế đã ban cho mình.
Ngay lập tức, ông đã đem đứa trẻ về nuôi, thu lượm những vỏ chai rượu rỗng bán đi để lấy tiền mua sữa. Ngày qua ngày, em bé bị bỏ rơi được ông cưu mang và nuôi nấng như vậy. Đến năm lên 6 tuổi, em bé nhặt được một chú chó con đem về nuôi và đặt tên nó là Vượng Tài.
Chú chó nhỏ, ông lão câm điếc và cô bé cùng dựa vào nhau để sống. Tuổi thơ của em lớn lên cùng những vỏ chai rượu xếp chồng lên nhau.
Chất giọng bẩm sinh tốt của em đã trở thành máy rao bán cho ông. Cứ mỗi sáng sớm em lại dắt ông lão chống nạng để đi thu lượm ve chai, vừa đi em vừa rao lớn: Có ai bán ve chai không? Có ai bán ve chai không? 
Sau này khi lớn lên, cô gái bé bỏng hôm nào giờ đã có người yêu là một nhà viết nhạc trữ tình. Nhà soạn nhạc này cũng rất nghèo nhưng rất yêu cô. Anh đã vì cô mà viết rất nhiều bài hát, cũng đối xử với ông lão hết sức tử tế. Mỗi lần đến chơi đều giúp ông lão vận chuyển các chai rượu rỗng, cùng trò chuyện với ông bằng cách vẽ tay, chơi cùng con chó…
Thế rồi một ngày cô trở nên nổi tiếng. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi, cô tậu nhà mới, xe hơi và được nhiều người theo đuổi… Cô gái vẫn rất yêu chàng trai và hy vọng anh có thể đến sống cùng với mình trong biệt thự, không phải trở lại ngôi nhà ve chai nữa bởi vì người cha vừa câm vừa điếc khiến cô cảm thấy xấu hổ!
Nhưng chàng trai không muốn, và vẫn cùng ông lão sống tại căn nhà cũ. Sau đó, cô gái ngày càng bận rộn, danh tiếng cũng ngày càng trở nên lớn hơn, cuộc sống của cô càng ngày bị chi phối bởi nhà quản lý. Ông lão ve chai cảm thấy nhớ con gái nên nài nỉ chàng trai đưa đi gặp con gái. Nhưng còn chưa vào được buổi hoà nhạc thì ông đã bị đuổi ra…
Sau đó cô gái cảm thấy ông khá phiền phức nên đã gửi cho ông một khoản tiền và yêu cầu ông không được làm phiền mình nữa. Ông lão nước mắt rưng rưng, lấy tay lau những giọt lệ tràn rồi ra đi mà không cầm lấy một đồng nào của cô!
Chàng trai lúc này không thể chịu đựng được nữa, nên tìm đến cô gái để nói chuyện phải trái nhưng cô không nghe. Cũng bởi giờ đây sự chênh lệch đẳng cấp và suy nghĩ của 2 người quá lớn nên kết cục chỉ có thể chia tay. Về phần ông lão, do quá nhớ thương con gái nên đã lâm bệnh nặng. Chàng trai đã cầu xin cô gái, hy vọng cô có thể trở về thăm ông một lần, nhưng rốt cuộc cô gái vẫn không nghe lời anh!
Đến lúc này, chàng trai chỉ còn cách hỏi thăm nơi trình diễn của cô gái và nói lại với ông lão. Ông lão cố gắng hết sức cùng chú chó già đến để nhìn mặt cô lần cuối. Nhưng thật không may, khi đi ngang qua đường một chiếc xe tải không biết từ đâu chạy tới, lúc xe sắp sữa đâm vào ông lão thì đột nhiên con chó già Vượng Tài nhảy tới và đẩy ông lão ra. Nó đã bị chiếc xe tải cán chết…
Chàng trai sau khi biết chuyện đã quyết định viết cho cô bản nhạc cuối cùng. Anh đã thức suốt mấy đêm để viết. Nhưng vì sau thời gian dài sống trong cảnh khó khăn nghèo đói, cộng thêm gánh nặng suy tư, thân thể của anh giờ đây gần như không thể chịu đựng được nữa. Anh cố gắng viết cho xong bản nhạc và nhờ người mang đến đưa cho cô gái. 
Khi bài nhạc viết xong thì cũng là lúc chàng trai rời xa trần thế. Trong buổi hoà nhạc cô gái miễn cưỡng mở tờ giấy ra, lời bài hát này có đại ý rằng : 
Giọng nói thật quen thuộc
Bên tôi suốt bao năm gió mưa.
Chưa bao giờ cần phải nhớ
Sẽ không bao giờ tôi quên.
Không có trời, nào có đất
Không có đất, nào có nhà
Không có nhà, nào có bạn
Không có bạn, nào có tôi
Nếu như bạn chưa từng nuôi nấng tôi
Cho tôi một cuộc sống ấm áp
Nếu như bạn chưa từng bảo vệ tôi
Thì số phận tôi sẽ ra sao?
Chính bạn là người nuôi tôi khôn lớn
Gần kề bên khi tôi nói tiếng đầu tiên
Chính bạn đã cho tôi một ngôi nhà
Hãy để tôi và bạn cùng chung sống
Mặc dù bạn không thể mở lời, nói một lời
Nhưng càng hiểu rõ hơn về con người thế nhân này
Đen và trắng, đúng và sai
Mặc dù bạn không thể diễn tả cảm xúc thật của mình
Nhưng đã phải trả giá cho cuộc sống nhiệt thành
Giọng nói xưa quen thuộc
Gửi đến bạn từ phương xa
Hãy để tôi nhớ đến bạn
Một tâm hồn hoà ái và từ bi
Khi nào
Bạn quay trở lại bên cạnh tôi
Hãy cùng tôi hát
Có ai bán ve chai không
Có ai bán ve chai không…
Đọc xong lời bài hát, bao nhiêu sự việc quá khứ như vùn vụt trở về: Một đống đầy những chai rỗng, người cha già câm điếc, vì để mua cho cô một túi hạt mà khổ sở vất vả, và con chó yêu quý nô đùa vẫy đuôi bên cô… 
Cô gái đã bật khóc, cuối cùng lương tâm đã quay trở lại, những nỗi khổ, lo lắng, bất an…
Cô đã học ngay lời bài hát này. Đến cuối buổi trình diễn cô đã thông báo với ban nhạc về bài hát cuối cùng này có tên: “Có ai bán ve chai không?”.
Cô gái “vong tình” đã cất lời hát, tất cả khán giả đều xúc động và họ đều rơi nước mắt. Cô gái đã kể về cuộc đời của mình ngay trên sân khấu, sau đó chạy thật nhanh đến bệnh viện, cô muốn gặp lại người cha của mình.
Khi ông lão nhìn thấy con gái, những dòng nước mắt từ trên má lã chã rơi. Ông lão không nói gì, chỉ mỉm cười với con gái và từ từ nhắm mắt lại… Cô gái khóc nấc từng tiếng không ngừng…
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Trong cuộc sống, có thể cha mẹ không cho chúng ta được một môi trường thuận lợi và hoàn cảnh vật chất đầy đủ nhất, nhưng họ đã làm hết sức mình để cho chúng ta được sống và trưởng thành. Họ đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất, kể từ lúc mới sinh còn bập bẹ, cho đến khi chập chững đi từng bước, và đến khi trưởng thành như bây giờ. Họ đã phải dùng cả cuộc đời và tâm huyết dành cho chúng ta. 
Vì vậy hãy luôn yêu thương và kính trọng cha mẹ mình. Bởi vì họ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng ân tình mà cả đời chúng ta cũng sẽ không bao giờ trả hết được.

Avast logo
This email has been checked for viruses by Avast antivirus software. 

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

CHÚ TƯ MẠNH

CHÚ TƯ MẠNH
Truyện kể
Saigon. Tháng bảy.
DODUYNGOC

Những năm đầu của thập niên 80, sau năm năm lưu đày ở Củ Chi, tôi được về thành phố dạy một trường cấp ba ở gần nhà. Mỗi tuần chỉ có 12 tiết dạy của ba lớp cuối cấp, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Rảnh rỗi dù thời gian này, cả nước đang đói. Nhưng tôi vốn vô lo, đến đâu hay đến đó, quanh quẩn với đồng lương chết đói, sống tạm qua ngày. Chẳng biết làm chi cho hết giờ, lại bày đặt chơi chim. Chơi ở vườn Tao Đàn, sáng sáng xách lồng chim, đạp xe ra, tụ nhau lại đấu láo và nghe chim hót. Và cũng từ đó thành lập một nhóm cùng ngồi với nhau. Người cao tuổi nhất nhóm là chú Tư Mạnh, hồi đó cũng khoảng năm mươi. Chú cao to như Tây, ăn mặc chải chuốt và thanh lịch như công chức cao cấp thời trước. Giọng rặt Nam bộ và hành xử cũng khá hào phóng với mọi người. Gia đình chú thuộc loại giàu có, hồi đó đa số đều đi xe đạp hoặc xe gắn máy cũ mèm, chú chơi xe Honda đời mới do đám viễn dương đem về bán, chiếc nào cũng giá mấy lượng vàng. Đôi khi cuối tuần, chú lại đến bằng xe hơi Peugeot có tài xế lái. Lúc đầu, ai cũng tưởng chú là cán bộ có chức vụ về hưu, nhưng dần dần hỏi chuyện hoá ra không phải. Chú là dân buôn bán từ xưa đến giờ. Chuyên bán vàng. Lúc đó nhà nước cấm dữ lắm, nhưng nhu cẩu xã hội vẫn có, nên chú vẫn tiếp tục nghề xưa, dù là mua chui bán lậu. Chú có đến ba căn nhà, toàn mặt tiền đường lớn, mà cái nào cũng to. Tụi tui cứ thắc mắc không hiểu với tài sản như thế mà sao gia đình chú lại thoát được mấy lần đánh tư sản khốc liệt vậy? Hoá ra là chú có người em ở rừng về, làm chức gì lớn lắm trong uỷ ban thành phố, nên tài sản chú được an toàn mà nghe đâu lại càng nhiều hơn khi có sự trợ thủ đắc lực của chú em. Sáng nào cũng vậy, chú đều chơi dĩa bò kho bánh mì có bốn miếng thịt lớn, chú bảo chú rất thích món này, ăn hoài không thấy ngán. Thường thường, chú ăn hai miếng, còn hai miếng bà chủ đã biết ý, luôn gói lại đưa chú mang về cho hai con chó Fox bé tí tì ti. Thời đó đói ăn, cả tháng làm giáo viên như tôi mới mua tiêu chuẩn được nửa kí thịt heo bạc nhạc với mỡ, nên thấy chú ăn sáng như vậy, tụi tôi thấy chú quá sang trọng, nên dù ngồi với nhau, tiếng nói của chú vẫn có giá trị hơn hẳn. Người giàu sang lúc nào cũng thế, giữa mọi người họ vẫn có vị thế cao hơn một bậc, bởi họ nhiều tiền hơn đương nhiên tiếng nói của họ được vị nể hơn. Chúng tôi càng nể chú hơn  nữa khi gặp hai đứa con của chú. Chú có hai đứa con, trai lớn gần ba chục, cô con gái nhỏ khoảng hai lăm, hai sáu tuổi. Cả hai đều rất lễ phép và cũng vừa lập gia đình. Mỗi lần đi đâu xa hoặc cuối tuần về quê chồng quê vợ, con chú đều ra tận nơi sân chim để chào và xin phép chú về thăm cha thăm mẹ. Lần nào cũng cúi đầu, khoanh tay chào hết mọi người khi đền cũng như lúc đi. Chú hãnh diện về điều này, mà tụi tôi cũng đồng ý về sự hãnh diện đó của chú. Cái thời buổi nhiễu nhương, ông thằng thay đổi tá lả thế này, nề nếp gia phong lộn tùng phèo mà còn được những đứa con như thế thì hãnh diện là quá đúng rồi!
Nhưng hoá ra là đóng kịch cả, là mưu mô cả. Lần hồi, các màn kịch cứ he hé và lần lượt diễn ra, tụi tôi nhiều khi không tin được, không ngờ cuộc đời lại có nhiều chuyện khốn nạn đến thế. Khi xã hội Việt Nam bắt đầu mở cửa là lúc màn kịch bắt đầu.

Đầu tiên là căn nhà ba tầng ở Bùi Thị Xuân, căn nhà lâu nay giao cho anh con trai lớn ở và bán buôn. Một ngày đẹp trời vợ chồng anh về thưa với vợ chồng chú là anh ta muốn sửa sang lại để biến thành khách sạn, bởi bắt đầu sẽ có khách du lịch về, doanh nghiệp qua, đón đầu như vậy mới thắng lớn được. Nghe bùi tai quá, vợ chồng chúng nó từ xưa đến nay ngoan ngoãn,  biết lo làm ăn, chưa hề làm mất lòng hai vợ chồng chú. Thế là sang tên cho chúng để chúng chúng mở doanh nghiệp, xin giấy phép xây cất. Lại còn cho chúng mượn 300 lượng vàng làm vốn. Hai vợ chồng an tâm phần thằng Hai. Chúng nó làm ăn thành công thì mình lo chi tuổi già, xem như chia gia tài trước cho chúng. Giải quyết nhẹ bâng.

Lại đến cô con gái, cũng một đêm mát trời, con gái nằm gãi lưng cho mẹ vừa thủ thỉ: Vợ chồng con cũng đã lớn rồi, ba má cho chúng con ra riêng đặng lo cho tương lai. Ba má giao cho tụi con cái nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu đang cho thuê, tụi con dọn về đó mở tiệm vàng, bây giờ nhà nước cho tư nhân mua bán vàng, làm ăn tốt lắm. Ba má vẫn ở nhà này, tuổi già cần yên tĩnh mà ở chung thế này nhiều khi các con của con quấy quá làm phiền ba má. Nói nghe lọt tai quá, nghĩ cũng hợp lí quá, sang tên nhà, đưa thêm 300 lượng làm hàng bán. Lúc đưa vàng, vợ chồng chú bắt phải có mặt con rể, hai vợ chồng cùng ký giấy mượn của vợ chồng chú 200 lượng, còn 100 lượng kia cho hai đứa bây làm vốn. Thế là xem như xong chuyện của hai đứa con, hai vợ chồng chú vui vẻ để lại tiếp tục sống cuộc đời hạnh phúc. 

Đùng một cái, anh con trai lớn không biết làm ăn hùn hạp với ai, phải cầm cố nhà cửa, khách sạn. Rồi một ngày cả nhà trốn mất. Vượt biên. Khách sạn bị tịch thu, cửa khoá to đùng với tờ giấy dán chéo ghi: Vượt biên, phản quốc với  mấy dấu đóng đỏ lòm. Chú Tư Mạnh ốm mấy tháng, vợ chú lên cơn đau tim phải vào cấp cứu. Thôi! Của đi thay người, chỉ mong gia đình nó đến nơi bình an. Nhưng rồi, tin đến chẳng bình an, anh con trai chỉ đi ra được đến bãi là bị gài bắn chết ngay tại chỗ để bọn dân quân, công an cướp vàng. Cô vợ và đứa cháu bay ra được tàu lớn, nhưng rồi bão đánh chìm đâu đó ngoài biển sâu. Vợ chồng chú suy sụp hẳn, chú vật vờ như mộng du, thương con, thương cháu đến đứt cả ruột. Một năm sau, không chịu thấu nỗi đau, không dằn nổi những cơn đau tim, vợ chú qua đời. Đến thắp nhang cho thím, nhìn thấy mái tóc mới qua mấy đêm đã bạc trắng của chú, chúng tôi xót xa cho bi kịch dồn dập đổ xuống gia đình của chú. Cô con gái và chàng rể quấn khăn tang lo hậu sự, nước mắt vẫn lả chã nhưng trong đầu cũng đang tính chuyện mốt mai. Thế rồi khi tro cốt của vợ chú an vị ở chùa, ngày cúng thất đầu tiên, hai vợ chồng cô con gái vẫn còn mang áo tang đề nghị với chú: má mất rồi, ba tuổi đã lớn, ở đây một mình chẳng có ai chăm sóc gần gũi, gia đình mình giờ chỉ còn con với ba, ba bán căn nhà này đi, cho chúng con mượn thêm, làm ăn bây giờ hơn nhau ở chỗ vốn nhiều mới mong thắng lớn, về ở với vợ chồng con, để con được săn sóc ba tuổi về già, lúc đau ốm, đỡ buổn lo, quạnh quẽ. Nghe đúng quá mà. Bây giờ chỉ còn mình nó, không ở với nó thì ở với ai? Một mình giữ tiền chi cho nhiều, đưa cho chúng làm ăn, có phải là sinh lợi hơn sao. Nỗi buồn chưa lắng xuống, nên chú Tư giao việc bán mua cho vợ chồng cô con gái, dọn về ở cùng con. Thế là cuối cùng, chú chỉ còn độc ngôi nhà này. 

Lúc đầu, ông con rể bố trí cho chú ở lầu một, lên xuống cho dễ. Phòng này trước đây cháu ngoại của chú ở, bây giờ nó dọn lên phòng trên. Phòng tiện nghi, có cửa sổ, có máy lạnh, giường nệm êm, chú tự nghĩ thế cũng tốt, cũng là nhà của mình mà. Chú lại ra chơi chim với nhóm, dù không thường xuyên lắm. Tóc chú trắng xóa, khuôn mặt buồn không còn vui vẻ như trước, nhưng hàng ngày vẫn dĩa bò kho bốn miếng thịt, ăn hai miếng đem về hai miếng cho hai con chó Fox bé tí tì ti. 

Nhưng cuộc sống vẫn chưa yên. Hai vợ chồng cô con gái bắt đầu kiếm chuyện. Đầu tiên là mấy con chim. Trước đây ông con rể khi ra chỗ chơi chim thường xách lồng ra xe cho chú, lặt cào cào cho chim ăn, hàng ngày phụ trách vệ sinh mấy lồng chim cho chú. Bây giờ ông con rể ngạo ngược bảo chim cò bẩn cả nhà, trưa nghỉ một tí cũng không yên bởi tiếng hót lanh lảnh của nó. Chú Tư tắm chim, phơi nắng cho chim, hắn đi ngang đá lồng lăn lông lốc và bảo: chật chội, vướng víu quá! Bực cả mình! Đôi mắt chú ngày càng buồn, miệng chú càng ngày càng ít nói. Rồi từ lầu một, chúng dời chú lên phòng sân thượng, ông con rể bảo cho chú lên đấy để chú tiện gần gũi với chim, để chim phía dưới mất vệ sinh, thức ăn rơi ruồi bu, kiến đậu, lông chim bay ảnh hưởng sức khoẻ của mọi người. Chú bằng lòng với sự sắp xếp của nó, dù mỗi lần lên xuống cầu thang, chú phải nghỉ thở mấy lần. Hồi còn ở dưới, đến bữa cô người làm hoặc cháu ngoại còn lên mời chú xuống nhà ăn cơm. Từ hồi lên trên này, chúng chẳng kêu, chẳng báo. Khi nào đói, chú lặng lẽ lần mò xuống ăn. Thức ăn lỏng chỏng như đồ thừa, nhiều lần ngồi ăn, chú rớt nước mắt. Chú thèm được một bữa cơm gia đình sum họp, đầy tiếng nói cười với những ánh mắt thương yêu. Mất hết rồi! Chẳng tìm đâu thấy nữa. Hàng ngày, chú xách lồng chim ra ngồi với chúng tôi chốc lát, đó là niềm vui còn sót lại trong ngày của chú, chú
 xem chúng tôi như người nhà, nên những chuyện buồn, bất hạnh của chú, chú đều kể cho chúng tôi nghe. Chú vẫn còn ăn món bò kho, nhưng không gói thịt về cho chó nữa vì chúng cũng đã bị cậu con rể đá chết rồi.

Nghe tin chú bệnh, nhóm chúng tôi đến thăm chú. Bước qua cửa, chúng tôi được đón bằng cái nguýt dài của cô con gái, cái ánh mắt bực bội của chàng con rể. Chúng chẳng chào một tiếng, chẳng hỏi một câu làm chúng tôi ngỡ ngàng, sao con người biến đổi một cách lạ kỳ như vậy? Chú Tư đón chúng tôi nơi phòng khách, kế bên cửa sổ nhìn ra sân, chú không dám nhìn thẳng mắt ai, ánh mắt như muốn xin lỗi, ngượng ngùng. Ngồi chưa nóng đít, anh con rể vừa nhả khói  thuốc vừa nói vọng vào từ ngoài sân: Ba đưa mấy chú lên lầu, lát nữa tui có khách. Chú Tư nhìn ra, ánh mắt một thoáng như toé lửa, rồi hạ nhiệt ngay, cụp xuống đầy uất hận. Thấy không tiện, tụi tôi rút, ra về cũng không có một lời chào. Ai cũng chép miệng: Tội nghiệp chú Tư..

Cuối năm 92, nhóm chúng tôi tản hàng, anh Ba cộng hoà đi HO chuyến áp chót, anh Nam mắt kiếng đi diện đoàn tụ gia đình, tôi bỏ dạy sau một màn ác chiến với tay hiệu trưởng vừa nhậm chức, tôi rời bục giảng, mở công ty, chen chân làm doanh nghiệp. Công việc bận rộn, chẳng còn thời gian đâu mà chim với cò, nên cũng chẳng có dịp để gặp chú Tư Mạnh. Đôi khi gặp đám chơi chim ở Tao Đàn, hỏi thăm tin tức về chú, có người bảo gặp, có kẻ bảo không, định bụng bữa nào ghé thăm chú một bữa. Tình cờ một hôm đi qua nhà chú, thấy người ta đập xây cao ốc mới, hỏi thăm mới biết nhà đã thay chủ, không biết gia đình chú dọn đi đâu, có người bảo đã đi hết ra nước ngoài. Tôi bặt tin chú Tư từ đó, lòng vẫn mong chú khoẻ, hi vọng ở nước ngoài, có viện dưỡng lão, chú được vào đó cũng đỡ khổ thân.
*******

Tết Nguyên Đán năm 2005, thay vì tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ bị bệnh ở khoa Nhi bệnh viện Ung bướu như mọi lần, công ty chúng tôi đổi hướng đi đến thăm những người già ở nhà dưỡng lão Thị Nghè. Thấy các bé còn nhỏ đã mắc bệnh nan y, thương cho chúng chưa hưởng gì ở cuộc đời đã mang bệnh chờ chết, đau xót lắm. Nhưng dù sao các cháu khi bệnh, đứa nào cũng có mẹ, hoặc cha, hay ông hay bà thay phiên chăm sóc. Còn ở đây, trong thế giới người già, là nỗi cô đơn cùng cực. Hầu hết các cụ ở đây đều không có gia đình, người thân, hoặc bị con cháu bỏ rơi. Họ cô độc trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, họ chờ đợi trong vô vọng những ánh mắt thương yêu của người thân, họ khát khao được nhìn mặt, cầm tay cháu con, nhưng không bao giờ toại nguyện. Họ chậm chạp trong sinh hoạt và chậm chạp đến lần với cõi chết. Những căn phòng ẩm ướt, những áo quần chẳng lành lặn, những gói, những bao không biết đựng gì để đầy trên giường, dưới chân họ. Họ mừng khi thấy chúng tôi đến, họ vui khi nhận được quà, nhưng ánh mắt vẫn nặng trĩu nỗi muộn phiền. Ở cuối phòng, có một cụ già cứ lấy tay che mặt khi chúng tôi trao quà, tránh ánh mắt của tôi. 
Tôi xong việc của mình, định ra, bỗng ông cụ buông tay, vươn cánh tay vẫy vẫy. Ông cụ gầy gò, da bọc xương, hai xương vai nhô lên như hai mảnh nhọn, bụng trương lên như trống. Tóc lơ thơ rụng gần hết, mắt đục lờ với khuôn mặt nhăn nhúm, vàng khè. Trên khuôn mặt đó, tôi tìm thấy một nét quen thuộc của ai đó mình đã từng gặp trong đời. Tôi chưa nhớ ra.
Ông cụ vẫn vẫy, tôi đi ngược trở lại và ông nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ: Anh Ngọc phải không? Có còn nhớ tôi không? Tôi Tư Mạnh đây. Tôi giật mình, gai ốc bỗng rờn rợn, trời ơi! Chú Tư Mạnh đây sao. Cuộc đời sao vậy trời.  Sao chú lại ở đây, sao chú ra nông nỗi này?

Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy chú, chú cũng ôm tôi và chú khóc, nước mắt ướt đẫm vai tôi và tôi cũng khóc theo chú. Hai người ôm nhau khóc một hồi, có ông cụ giường bên nhìn tôi với ánh mắt chẳng có chút thân thiện: Con cháu, anh em gì mà bỏ rơi ông cụ mấy năm liền, giờ còn khóc lóc gì? Chú Tư xua tay: Không phải, không phải đâu, người quen thôi mà.
Chúng tôi ra ngoài sân, ngồi trên ghế đá nói chuyện. Tôi hỏi chú hay là mình qua bên đường uống cà phê. Chú gật, ánh mắt thoáng chút vui. Tôi xin phép cán bộ dẫn chú ra ngoài. Hai chúng tôi băng qua đường, chú đi khập khiễng, tôi phải dìu chú đi. Tôi hỏi chú muốn ăn gì không, chú nhìn tôi, ngập ngừng: Tôi...thèm ăn dĩa bò kho... dĩa bò kho bốn miếng thịt và ổ bánh mì thật dòn. Tôi chảy nước mắt ngồi nhìn chú ăn, chú ăn ngon lành, miếng thịt trệu trạo trong cái miệng móm mém gần hết răng của chú. 
Và rồi chú kể cho tôi nghe tại sao chú có mặt ở đây mấy năm nay.
****
Anh biết không, con Hiếu, con gái khốn nạn của tôi, anh còn nhớ nó chứ? Tôi đặt nó tên Hiếu mà nó bất hiếu ác nhơn. Nó lấy hết tiền của tôi rồi lừa cho tôi vào đây. Hồi đấy, sau cái lần tôi bệnh mấy anh em vào thăm, thấy chúng nó tồi tệ quá mức rồi, tôi chịu hết nổi nên nói với vợ chồng nó trả vàng cho tôi để tôi đi kiếm chỗ khác ở, dứt tình cha con. Nhưng chúng lật lọng, bảo chẳng nợ gì tôi. Tức quá tôi thưa, tôi còn đủ giấy tờ mà. Toà xử chúng phải trả nợ cho tôi. Chúng lần lửa mãi, và có trả tôi một lần mười cây vàng, hẹn cuối năm thanh toán hết. Rồi bỗng dưng hai vợ chồng nó thân thiện, săn sóc tôi dữ lắm. Mua đồ này thức nọ cho tôi ăn, sắm áo quần mới cho tôi mặc, đối xử với tôi rất nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, thôi thì con mình đã biết suy nghĩ lại, gia đình, thân thuộc tôi chẳng còn ai, có đứa em trai thì bệnh ung thư chết mấy năm rồi. Làm cha mẹ phải biết tha thứ cho con. Được mấy tháng thì một hôm nó nói mời cả nhà đi du lịch Nhật Bản, tôi vui lắm, hăm hở sửa soạn đồ đạc để đi đến mười ngày. Nhưng đến phút chót, lấy cớ có việc đột xuất, cả nhà nó ở lại, đành bỏ vé, nên tôi đi một mình. Đi du lịch cùng đoàn nên có bạn có bè cũng vui. Hôm đầu điện thoại về, còn nghe nó trả lời, hôm sau cũng còn, nhưng đến hôm thứ ba thì gọi mãi không được. Tôi sốt ruột nhưng cũng đành chờ cho đến ngày cuối, do vậy chuyến du lịch bỗng mất vui. Nào ngờ khi về đến nhà thì cửa đóng im ỉm, bấm chuông mãi thì có người thò đầu ra nắng, cái mặt lạ hoắc. Hỏi anh ta là ai? Anh ta hỏi vặn lại tôi là ai? Tôi bảo tôi là chủ nhà, anh ta cười hô hố bảo tôi điên, rồi bảo anh ta đã mua căn nhà này rồi, đừng có kiếm chuyện. Tôi như từ cung trăng rớt xuống, mồ hôi ra lạnh cả người và nằm thẳng cẳng giữa lề đường. Hàng xóm thấy vậy chở tôi đi nhà thương, đến khi tỉnh, được mọi người kể mới biết gia đình nó đi Mỹ định cư cả tuần lễ nay rồi, ai cũng tưởng tôi đã cùng đi với chúng nó. Thế ra nó lừa tôi, nó giả vờ thương yêu tôi để tôi mất cảnh giác, nó lừa tôi đi du lịch để nó giao nhà và ra đi. Nó cướp hết số vàng mà vợ chồng tôi cho nó vay. Nó khốn nạn thế đấy, nó mưu mô hiểm ác vậy đấy. Thế là tôi trở thành kẻ vô gia cư. Còn ít vàng tôi để ở nhà, chắc nó cũng lấy đi rồi, tôi chẳng có cách nào để sống nên khi hết bệnh ở nhà thương, chính quyền đưa tôi vào đây ở mấy năm nay.

Tôi nghe mà bàng hoàng, không tin nổi nếu như không gặp chú Tư ở đây. Tôi không ngờ trên đời lại có những đứa con như vậy. Rồi cuộc đời nó có an lành để sống không? Con cái chúng sẽ nghĩ gì khi biết được cha mẹ chúng đã đối xử với ông chúng như thế? Tôi thật sự khiếp hãi khi nhìn thấy con người ta vì đồng tiền mà bán cả lương tri. 
Tôi khuyên chú đi bệnh viện vì thấy chú yếu quá, nhưng chú bảo chú không muốn chữa bệnh, chú chỉ mong được đi mau để khỏi phải đau khổ và dằn vặt. Chú xin tôi một điều là gắng đến thăm chú và khi nào chú mất, làm ơn đem tro cốt của chú để vào chùa cùng nơi với vợ chú.

Đó lại là lần cuối cùng tôi gặp chú, chủ nhật sau tôi ghé chú thì chú đã đi rồi, trên tay tôi vẫn còn mang cặp lồng món bò kho bốn miếng thịt mà chú ưa thích. Tôi lặng lẽ mang hủ tro cốt của chú vào chùa, làm thủ tục để cạnh hủ tro của vợ chú, từ nay hai vợ chồng sẽ mãi gần nhau và chú đi được vậy cũng là điều giải thoát cho một kiếp người. Mong chú đến nơi không còn khổ đau, gian dối và lừa lọc. Mong chú yên nghỉ nghe chú Tư Mạnh.

Saigon. Tháng bảy.
DODUYNGOC

DODUYNGOC
0913711081
doduyngoc.jimdo.com

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

NGƯỜI CON LAI...



Kính chuyển một câu chuyện thật, rất cảm động "Người Con Lai và Chiếc Vỏ Ốc" được Hoàng Thanh viết lại.  Tác giả : Hoàng Thanh
tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30, cư dân Westminster, Orange County, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2010 với bài viết về Lễ Tạ Ơn mang tựa đề “Chỉ với một nụ cười...” Sau đây là bài viết mới của Hoàng Thanh, với lời đề tặng nhân vật có thật của câu chuyện “Thân tặng chị Amy - người con gái da đen có tấm lòng vàng.”



Người Con Lai và Chiếc Vỏ Ốc
Bước vào tiệm food to go, tôi thoáng thấy một phụ nữ da đen - mà tôi nghĩ ngay là người Mỹ đen hay Phi châu, đứng trước quầy thức ăn dường như đang lựa chọn. Như thường lệ, tôi đứng đợi tới phiên mình. Bỗng dưng nghe cô ta nói rất rõ ràng bằng tiếng Việt "Bán cho tui một phần cơm chiên nhỏ", làm tôi ngạc nhiên quay lại nhìn, vì không ngờ cô ta nói tiếng Việt rành thế. Da cô này rất đen, đúng điệu là dân lai Mỹ đen chính hiệu. Khi tôi ra bàn ngồi ăn, cô gái bước đến rụt rè chỉ vào chiếc ghế bên cạnh tôi và hỏi "Tui ngồi đây được không?" Tôi gật đầu.

Trời Cali vào đông lành lạnh, ngồi gắp từng đũa mì Nam vang nóng mà nghe ấm cả lòng. Đang múc muỗng nước lèo thì chị da đen lên tiếng "Trời lạnh quá, ăn cái này ngon lắm mà không chắc bụng". Tôi quay sang nhìn thì bắt gặp cô đen vừa đưa tay chỉ chỉ vào tô mì tôi đang ăn, vừa nói với ánh mắt có vẻ thèm thuồng. Chị đen nói với cái giọng chân chất rất nhà quê "Cơm chiên nó hổng ngon bằng nhưng nó chắc cái bụng, tui mới khiêng đồ nặng nổi". Thấy ái ngại, tôi nói ngay "Chị ăn không, tôi kêu tặng chị một tô". Chị đen lắc đầu "Giờ ăn hổng kịp đâu, trễ xe bus là cả tiếng nữa mới có chuyến sau". Tôi hỏi "Chị làm gì mà phải khiêng nặng?". Chị đáp "Tui lau chùi cầu tiêu, lau sàn nhà, chùi rửa hết tất cả phòng, sắp xếp đồ đạc lại ngay ngắn, khiêng bàn ghế, nhiều bàn ghế nặng lắm, cái gì tui cũng làm hết đó, để mười giờ người ta vô thì mọi thứ phải sạch sẽ đâu vô đó". Rồi chị tiếp "Tui ở xa, nên 7 giờ phải dậy rồi, đi xe bus tới đây thì phải đổi xe bus khác mới tới. Nhưng đói quá nên tui phải xuống mua đồ ăn cho no bụng cái đã rồi mới lấy bus đi tiếp đến chỗ làm". Tôi cứ nghĩ chắc chị đen này đi làm thêm overtime ngày cuối tuần, nên tôi nói "Chị làm thêm cuối tuần vậy, họ trả chị khá không?" Chị nói ngay "Tôi đâu có lãnh lương, làm cho nhà thờ mà, cái này là tui tự nguyện làm, tui làm là cho Chúa, mà tui làm nhiều năm nay rồi...".

Vừa thấy tội nghiệp cho chị đen, tôi vừa thầm khâm phục chị đã có can đảm mà đứng chờ hai chuyến bus từ 7 giờ sáng, ngày chủ nhật - là lúc mà ai nấy đều đang ngon giấc với khí trời rất lạnh ở bên ngoài. Chị không những đã làm được điều phi thường đó, không có lương, một cách vui vẻ, mà lại từ nhiều năm qua...

Bỗng dưng tôi muốn làm quen "Chị tên gì? Mà tại sao chị lại tự nguyện làm công việc này từ bao lâu nay, nhà thờ không có người nào phụ chị sao?". Thấy có người quan tâm, chị đen có vẻ xúc động, nỗi xúc động mà tôi linh cảm như của một con người thường bị hất hủi bỏ rơi. Chị nói nhỏ lại "Tui tên Amy, là tên Mỹ đó, còn tên Việt nam, tui không thích nó...". Chị có tên Việt nam? "Ừa, mà tui ghét nó lắm...". Tôi ngạc nhiên "Tại sao chị lại ghét tên mình?" Chị đen im lặng, và rồi chị kể, bằng cái giọng quê mùa một mạc ....

... " Khi Má sinh ra tui thì mọi người ai cũng đã ghét tui rồi. Chỉ vì tui ra đời dưới ngôi sao xấu, bởi vì cái màu da đen đúa không sao che dấu được của tui. Tui đâu có quyền được chọn màu da gì để sinh ra, cả Má tui cũng không chọn được cho tui. Nhà tui nghèo lắm, ở ven bờ một con sông. Gia đình tui gồm có sáu người: Má và năm chị em, chị Hai, chị Ba, chị Tư , tui, rồi đến em trai Út. Mấy chị và em trai là da vàng, chỉ có tui là đen thui thôi. Nhà tui nghèo mạt rệp, cả căn nhà dột nát không có cả cái bàn hay cái giường, cái ghế. Một mình Má đi mò ốc cả ngày để bán lấy tiền mua đồ ăn cho sáu miệng ăn. Mới ba, bốn tuổi là tụi con nít đã ghét tui. Tui tên Tí, họ Mai là họ của Má, vì Ba bỏ Má từ khi Má mới có bầu tui. Tụi con nít cả đám cứ đi theo sau tui hát nhạo là "Cút về Mỹ đi con Tí đen". Có đứa còn lấy que tre vít cứt chim, cứt gà rồi kêu cả bọn xúm lại đè tôi xuống, trét vô miệng tui, tới khi nào tui lạy, tui khóc thì tụi nó mới tha. Năm sáu tuổi, Má cho tui với mấy chị đi học trường làng, nhưng tụi học trò khinh ghét tui lắm. Có lần tụi nó hè hội đồng tống một đống cứt gà vô miệng, tui không chống cự được nên nuốt vô cổ họng, nghe thúi ình và chua loét. Tui oẹ ra, tụi nó bóc nhét vô lại. Tui vùng vẫy, la hét. Thấy tui khóc dữ quá, mấy chị và em trai xúm lại binh, thì tụi nó đánh mấy chị, vừa đánh tụi nó vừa chửi " Đồ Mỹ đen không cha cút về nước đen mà sống ". Lần đó tui chạy về khóc với Má sưng cả mắt. Má cứ im lặng và rồi bà cho tui nghỉ học luôn. Nhiều lúc tui thèm được đi học, thèm được chơi chung, bất cứ trò chơi nào với chúng bạn, vậy mà đứa nào cũng chê là tui đen, tui dơ, tui thúi... hổng ai thèm chơi.

Tui tủi thân lắm nên hỏi Má. Má bảo là "Ba bỏ Má từ lúc tui chưa sinh ra nữa". Tôi ức lắm, hỏi lại "Thế Ba tên gì? Sao Má không đi tìm?". Má im lặng, rồi Má khóc. Tui thương Má quá, và tui ghét Ba lắm. Tui thề sẽ có một ngày tui tìm gặp Ba và hỏi Ba cho ra lẽ...". Im lặng. Chị đen tiếp "Tại Ba mà giờ này tui vẫn chưa biết đọc, biết viết. Người ta nói là tui mù chữ. Mắt tui sáng mà, tui thấy đường, nhìn tờ báo thì tui chỉ thấy hình, chớ không biết đọc"...

Rồi từ đó tui thui thủi chơi một mình. Nhà nghèo quá làm gì có tiền mua đồ chơi, nên tui cứ quanh quẩn bên bờ biển mà lượm mấy cái vỏ ốc, hốt cát bỏ vô đó, rồi đổ đi, rồi lại hốt vào. Hễ có lượm được cái vỏ ốc nào đẹp đẹp, tui để dành vô cái thùng giấy, lâu ngày có nhiều, tui đem ra ngắm một mình , thích lắm. Tui nhớ lần nọ tui đem ra khoe con bạn, nó lại kêu mấy đứa khác tới coi. Tui khoái lắm, trong bụng chắc mẫm thế nào bọn nó cũng khen cho coi. Ai dè, tự dưng thằng Tọc giựt mạnh một cái làm rách thùng giấy, rồi nó quăng tung tóe hết cả chục cái vỏ ốc của tui ra biển. Tui hoảng hốt giơ hai tay chụp lại nhưng không kịp, thế là mất hết đống vỏ ốc " gia tài " mà tui gom góp gần cả năm trời. Tui đứng đó khóc ròng, cúi xuống nhìn thì chỉ còn sót lại trên cát một cái vỏ ốc to bằng nửa bàn tay, một bên màu đen còn nửa bên kia màu trắng. Tui lật đật lượm lên, dấu vào túi áo. Đám trẻ xúm quanh la to "Cút về Mỹ mà lượm vỏ ốc. Ở đây không có thứ gì cho mầy đâu, đồ da đen". Tui tủi thân quá chạy về nhà khóc với Má. Lần đó Má cũng khóc. Hôm đó Má nói "Làm cái vỏ ốc mà còn sướng hơn Má con mình, bởi nó không biết buồn, không biết khóc, nó tự do khi thì nằm trên cát, lúc lại nhập vào biển cả bao la. Còn Má con mình, suốt đời chỉ sống nhục mãi ở đây thôi". Tui quý cái vỏ ốc trắng đen này lắm, cứ lâu lâu đem ra nhìn. Phần nửa màu đen, sao mà đen thủi đen thui giống da của tui, còn bên kia màu trắng lại óng ánh như có pha lê. Nhớ có lần Má tui dạy "Con người ta giống cái vỏ ốc này vậy, có đen có trắng, có tốt có xấu. Da con dù có đen như bên này, nhưng con phải sống tốt, sao cho cuộc đời mình có ý nghĩa mà óng ánh như nửa bên kia"...

Một hôm bỗng dưng Má nói "Tí đen ơi, đúng là Trời thương Má con mình, mình sắp hết khổ rồi...". Thì ra là chính phủ nước của Ba tui (chính phủ Mỹ) cho nhà tui đi theo diện con đen (con lai). Má và tui mừng hơn bắt được vàng. Lúc vô phỏng vấn, tui run quá nên cứ khóc, mà tay chân thì lạnh ngắt. Tui cứ sợ ông Bill - tên ông hỏi chuyện Má tui, mà thấy tui đen, tui xấu, tui hôi, tui dơ... ổng không cho đi thì tui phải ở đây suốt đời tui khổ lắm. Má tui cũng khóc, năn nỉ cô thông dịch xin ông Bill cho đi Mỹ. Lúc đó tui nghe ai cũng nói ở Mỹ sướng lắm, con nít được đi học, dù mình đen cũng không ai đánh mình, không ai nhét cứt vô miệng mình... Khi đó chị Hai và chị Ba có chồng rồi, còn chị Tư và em trai thì chưa. Má định nếu được đi Mỹ rồi thì Má sẽ nhờ người làm đơn xin chính phủ cho chị Tư và em tui đi sau. Đêm trước hôm phỏng vấn, Má lo quá không ngủ được, mấy mẹ con cứ ngồi ôm nhau khóc cả đêm. Với gia đình tui, thì nước Mỹ là thiên đàng, chỉ tới Mỹ thì chúng tui mới hết khổ. Khi ông Bill biết rằng chị Tư và em trai còn độc thân, ông nói "Chiến tranh đã làm cho Bà và các con cực khổ, nên nay vì nhân đạo, chúng tôi cho Bà, cô con gái lai và cả hai người con độc thân cùng đi để qua Mỹ đùm bọc nhau mà sống". Cả nhà tui khóc, vì mừng quá, đến nỗi quên cả nói lời cám ơn ông Bill...

Đặt chân đến "thiên đàng" Virginia, bốn Má con tui không biết một chữ tiếng Anh, nói không được câu nào, mà đọc cũng rặn không ra, còn viết thì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Một người quen cùng làng ngày xưa nhận ra Má nên giúp tìm dùm cho chúng tôi thuê một căn appartment nhỏ xíu một phòng ngủ để cả nhà ở chung.

Cả nhà tui đi làm đủ thứ nghề nặng nhọc đễ đắp đỗi qua ngày. Tui còn nhớ lần thi vô quốc tịch, tui lo quá chừng, cứ học thuộc lòng những câu hỏi như con vẹt, vì tui có đọc và hiểu được chữ nào đâu. Có một chị người Việt đọc cho tui nghe các câu hỏi rồi biểu tui học cho thuộc, hễ người ta hỏi câu nào thì trả lời y như đã thuộc. Vậy mà may mắn ghê, tui đậu. Khi họ hỏi tui muốn có tên Mỹ không, hay vẫn muốn giữ cái tên Việt nam là Tí Mai, thì tui khóc. Không biết nói tiếng, tui nhờ cô thông dịch nói dùm với ổng là "Tui ghét lắm cái tên Tí đen, vì nó đen như màu da tui, đen như tuổi thơ nghèo hèn của tui". Ông Mỹ trắng hỏi tui muốn tên gì. Lúc đó tui chỉ nhớ đến đứa cháu họ xa, đi lính cho quân đội Mỹ. Có một lần về thăm Má con tui ở Virginia, nó nói lý do nó đi lính là vì nó muốn đền ơn chính phủ. Tui nhớ mang máng nó có nói quân đội Mỹ gọi là... "AMI"... gì đó thì phải. Thiệt tình khi đó tui không biết chữ "AMI" viết làm sao nữa, nên tui nói đại với cô thông dịch là "Tui muốn cám ơn chính phủ Mỹ, cám ơn ông Bill đã thương mà cho Má con tui đi, nên tui muốn có tên Mỹ là AMI, có nghĩa là quân đội". Tui còn nhớ khi nghe tui nói vậy thì cô này cười, dễ thương lắm, và cô viết tên tôi lên tờ giấy đưa cho ông Mỹ. Thế là passport của tui có cái tên Amy Mai từ đó. Mãi sau này tui mới biết là cô đã quên chữ e rờ (R), vì quân đội viết là "army", nhưng sao có người lại nói với tui là cô ta cố tình quên...?

Sau đó vài năm thì phát hiện ra là Má tui bị có nước trong phổi. Bác sĩ sau khi hỏi cặn kẽ thì giải thích rằng "Do Má ngâm nước lạnh hằng mấy chục năm liền khi đi mò ốc, nên giờ phổi Má yếu lắm". Mấy chị em sợ quá, đứa nào cũng đi làm quần quật mà không sao đủ tiền mua thuốc cho Má. May mà Trời thương, nên lại có người hàng xóm ngày xưa biết chuyện, bảo chị em tui qua Cali ở đi thì khí hậu ấm sẽ tốt hơn cho sức khỏe của Má. Nhưng tiền đâu mà mua vé máy bay? Cô Anh bảo "Khi xưa lúc chồng cô mới chết, cô một mình với con nhỏ, sức khỏe yếu nên không sao ngâm nước nổi, nhờ Má cho cô bữa bịch ốc, khi mấy con tôm mà sống qua ngày, nên cô muốn đền ơn Má bằng cách mua bốn vé máy bay cho chúng tôi qua Cali, cô cũng đã thuê sẵn một appartment nhỏ (cô Anh đã trả trước một tháng tiền nhà) cho Má con tui.

Thế là cả nhà kéo nhau qua Cali. Cả tháng trời không ai xin được việc làm. Khi chỉ còn vài ngày là hết tháng, tụi tui lo lắm vì tiền đâu để trả cho tháng tới? Gọi phone cho cô Anh thì cô và gia đình đi đâu rồi nên không sao liên lạc được. Một buổi tối trước ngày Giáng sinh, mấy Má con đứng đón bus về nhà. Trời lại lạnh , bụng ai cũng đói, nên không còn sức để mà đi, cứ đứng mà run. Chúng tôi thấy nhiều người đi vào một nhà thờ nhỏ. Vì lạnh quá, nên chúng tôi cũng đi vô đại định tìm một chỗ trú cho ấm chút rồi sẽ về. Đó là buổi tối đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời chúng tui. Trên kia, mục sư Bảo đang giảng về tình yêu của Chúa. Ông nói "Chúa luôn dang rộng vòng tay yêu thương cho mọi người". Có lẽ lúc ấy, vì quá buồn, mỏi mệt và tủi thân, nên bốn Má con đứng khóc ròng. Một người đàn bà bước lại hỏi thăm ( sau này tui mới được biết làvợ mục sư Bảo). Má con tui thật lòng kể hết. Vợ chồng mục sư cùng một vài cô chú ở nhà thờ thấy tội nghiệp nên chở dùm mấy Má con về nhà, rồi hôm sau người ta đem đồ đến cho, bàn ghế, quần áo, tiền bạc, thức ăn. Rồi đích thân vợ chồng mục sư giúp điền đơn dùm Má con tui để xin tiền bệnh, tiền trợ cấp. Cũng chính nhờ sự động viên, nâng đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần mà má con tui mới sống nổi qua ngày...

Và từ đó chúng tui đi nhà thờ mỗi chủ nhật. Cám ơn Chúa. Cầu nguyện cho Má mau hết bệnh. Cầu nguyện cho mấy chị em có công ăn việc làm. Các cô chú trong nhà thờ đối xử rất tốt với tui, không ai nhìn màu da tui mà khinh khi hết. Tui vui lắm khi mọi người cứ kêu "Amy, đến phụ cô làm cái này đi!", "Amy, ăn chút gì cho có sức rồi hẵng làm chứ cháu ..". Và tui biết là ở nơi nào có Chúa, thì tui có tình thương...

Mang ơn vợ chồng mục sư Bảo và các cô chú trong nhà thờ, nên mấy chị em tui tình nguyện làm bất cứ việc gì nhà thờ cần. Tiền thì không có, nên chúng tui đóng góp bằng công sức và thời gian. Tui không bao giờ buồn vì công việc mình làm hết. Mà cầu tiêu ở Mỹ sạch sẽ lắm kìa, không có dơ, không có thúi như mấy đống cứt gà mà hồi nhỏ tui phải nuốt đâu. Tui vui lắm, dù công việc có cực nhọc cách mấy, vì tui biết mình làm là đền đáp công ơn Chúa...

Và rồi một ngày Chúa gọi Má tôi về với Ngài. Bà chết khi trong túi mấy chị em cộng lại hết vẫn chưa được một đồng. Lúc còn sống, Má cứ ước có tiền về Việt nam thăm chị Hai, chị Ba và các cháu. Vậy mà mơ ước chưa thành, Má đã ra đi. Tui còn nhớ lúc biết mình sẽ không qua khỏi, Má nói với các chị em tui "Ngày xưa Má cứ ước ao cả nhà mình qua đến được thiên đàng, nhưng nếu như Má có mất thì mấy con ráng lo cho Má về Việt nam mà chôn cất, dù gì nằm bên bờ sông ngày xưa với mấy con ốc, Má vẫn thấy ấm lòng hơn...". Cả nhà ai cũng đều biết ước nguyện cuối cùng của Má là được chôn nơi miền quê cha đất tổ, mà đào đâu ra tiền để chở xác Má về Việt nam? Tụi tui chỉ biết khóc, vì không mua nổi một quan tài cho Má. Vợ chồng mục sư Bảo biết rõ ước nguyện của Má, nên tối nào mục sư cũng lên đài kêu gọi mọi người giúp một tay. Đêm nào mấy chị em cũng ngồi trên đài với mục sư Bảo và tụi tui cứ khóc, thương Má, mang ơn vợ chồng mục sư và tất cả những người hảo tâm. Nhiều người mang tiền đến tận nhà giúp. Cuối cùng quyên góp được 16 ngàn đồng - cả một gia tài mà mấy chị em tui không bao giờ dám mơ tới. Phải, 16 ngàn đồng - con số này suốt đời tui không thể nào quên. Đó là công ơn của hằng trăm người, mà nhiều nhất là vợ chồng mục sư Bảo và bác sĩ Nguyễn Hùng. Anh Tuấn ở nhà quàn biết hoàn cảnh nhà tui, nên anh bớt cho hai ngàn tiền chi phí chuyên chở xác Má về Việt nam. Em trai tui được mua vé đi cùng về Việt nam với Má. Rồi số tiền còn lại thì mục sư đưa cho em tui về mua đất và lo chôn cất Má. Thế là cuối cùng Má cũng được về yên nghĩ vĩnh viễn bên vùng ven biển ngày nào với những con ốc nhỏ ngày xưa. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn những tấm lòng...

Hôm đưa em trai ra phi trường, tui đưa nó gói giấy trong đó có cái vỏ ốc trắng đen. Tui dặn nó nhớ thảy xuống huyệt khi chôn Má. Nó không chịu, hỏi lại là " Chị quý nó lắm mà ? ". Tui gật đầu. Nhưng tui biết Má thích biển, và đặc biệt là cái vỏ ốc này, Má cũng quý nó như tui. Lời Má dạy con ghi nhớ, con không tiền, không có gì tặng Má. Thôi con gửi Má cái vỏ ốc này, Má mang theo mà về với Chúa. Mong Má nói với Ngài rằng " Con Tí đen vẫn luôn cố gắng sống tốt, sao cho cuộc đời đẹp và có ý nghĩa nhưng nửa trắng óng ánh bên kia của vỏ ốc...

Chị Amy ngừng kể. Tôi im lặng, vì tôi biết có nói gì cũng sẽ là rất thừa thãi vào giây phút này. Bất chợt chị nói " Tui không biết tên Ba, phải chi tui được gặp lại ông Bill năm nào phỏng vấn, có thể tui nhờ ổng tìm ra Ba tui... "

- Chị mong gặp lại Ba chị à? Chị không giận Ba sao ?

- Ngày xưa tui ghét Ba lắm. Nhưng Chúa dạy rằng "Mình phải biết tha thứ và yêu thương. Tui chỉ mong gặp Ba, để nhìn ông và kêu một tiếng "BA" một lần trong đời". Ngừng một chút, chị tiếp "Và tui sẽ nói rằng "Ba đã làm Má khổ và con buồn. Vậy thôi..."

Gió ngoài trời lành lạnh, báo hiệu một mùa Giáng sinh nữa lại sắp đến. Tôi hỏi "Năm nay Giáng sinh, chị sẽ làm gì?". Chị Amy buồn buồn đáp "Tui đến nhà thờ dọn nhà cầu, khiêng bàn ghế, lau chùi các phòng, dự Thánh lễ rồi về nhà... nhớ Má. Má mới mất năm ngoái thôi, nên tui nhớ bả lắm, nhớ cả cái vỏ ốc trắng đen ngày xưa...". Chị lại tiếp "Năm nào tui cũng đâu có tiền mà mua gì dâng tặng nhà thờ, hay tặng vợ chồng mục sư - người mà gia đình tui mang ơn cả đời, nên tui chỉ biết cầu nguyện cho mọi người. Nhiều lúc tui buồn lắm, vì không năm nào có tiền mua món quà gì dâng Chúa..."

- Những gì chị làm, chắc chắn là Ngài sẽ biết mà. Tôi tin chắc là thời gian, công sức và tấm lòng của chị, sẽ là một trong những món quà mà Ngài ưng ý nhất...

Chị Amy chỉ cười, không nói. Tự dưng chị hỏi "Khi nào cuộc đời tui đăng lên báo, chị cho tui xin ba tờ được không?"

- Được chứ. Tôi đáp ngay.

- Tui sẽ mang biếu vợ chồng mục sư Bảo một tờ, bác sĩ Nguyễn Hùng một tờ, còn một tờ tui sẽ nhờ ai đó đọc cho tui nghe, tại tui không biết chữ, rồi thì tui sẽ giữ nó mãi suốt đời. Phải chi Má còn sống, nghe đọc tờ báo này, chắc Má tui vui lắm...".

Chị Amy nhờ tôi gửi bài viết này kính tặng vợ chồng Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, bác sĩ Nguyễn Hùng cùng tất cả những tấm lòng nơi Thánh đường Sàigòn. Chị nói "Đây là món quà - từ trái tim, chị dâng tặng mọi người nhân mùa lễ Giáng Sinh ".

Trước khi chia tay, tôi hứa sẽ mang tặng chị Amy ba tờ báo, và sẽ đọc cho chị nghe. Chị nói "Cám ơn người đẹp". Tôi ngượng ngùng "Chị đừng gọi tôi là người đẹp, kỳ lắm". Amy đáp "Đẹp chứ, bởi vì chị trắng hơn tui.."...

Tôi quay đi. Chạnh cả lòng. Nhìn xuống làn da mình, tôi tự hỏi "Cuộc đời này có được bao người thật sự "trắng da" hơn chị?"

Hoàng Thanh





 

 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

THẮNG - THUA

       
Bài học khiêm nhường vẫn còn có giá trị.
          THẮNG - THUA
         3 x 8 = 23
Nhan Uyên ham học hỏi, tính tình tốt bụng, là một đệ tử đắc ý của Khổng Tử.
Một ngày nọ, trên đường đi làm việc, Nhan Uyên thấy một đám đông ồn ào trước cửa tiệm vải. Anh bước đến hỏi mới biết là đang có tranh chấp giữa người mua và người bán vải.
Chỉ nghe người mua hét lớn: “Ba nhân tám là 23, sao ông cứ đòi ta 24 đồng?”
Nhan Uyên đến trước mặt người mua, lễ phép nói: “Vị đại ca này, ba nhân tám là 24, sao có thể là 23 được? Anh tính sai rồi, không nên cãi lộn ầm ĩ nữa”.
Người mua không phục, chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói:“Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt! Đi, ta hãy tìm ông ấy để phân xử!”
Nhan Uyên đáp: “Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?”
Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”
Nhan Uyên trả lời: “Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan”. Hai người đánh cuộc với nhau như thế, cũng đã tìm gặp được Khổng Tử.
Khổng Tử và Nhan Uyên
Khổng Tử hỏi rõ tình huống, rồi quay sang Nhan Uyên cười nói: “Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi!”
Nhan Uyên trước giờ chưa bao giờ cãi lại sư phụ. Nghe Khổng Tử nói mình sai, anh đành tháo mũ xuống giao cho người mua kia nhưng trong lòng không phục. Người mua nhận mũ, đắc ý rời đi.
Nhan Uyên cho rằng Khổng Tử già rồi đâm ra hồ đồ, liền không muốn ở lại học tập Khổng Tử nữa. Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại lấy cớ nhà có việc muốn xin nghỉ học… Khổng Tử rất rõ tâm tư Nhan Uyên, nhưng không nói gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Trước khi đi, Nhan Uyên quay lại cáo biệt Khổng Tử. Khổng Tử muốn Nhan Uyên trở về nhà bình an, cũng dặn dò hai câu: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”.
Nhan Uyên đáp lại một câu: “Con xin ghi nhớ”, rồi rời đi.
Trên đường về, gió thổi mây dâng, sấm rung chớp giật, trời muốn đổ mưa to. Nhan Uyên tiến đến một cây đại thụ mục rỗng bên ven đường, muốn tránh mưa. Anh đột nhiên nhớ lại lời Khổng Tử đã nói: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân”
Nghĩ thầm, sư đồ nhất tràng, anh nghe theo lời sư phụ, tránh xa khỏi cái cây rỗng. Vừa rời đi không xa thì nghe một tiếng sấm, sét đã đánh tan cây cổ thụ kia. Nhan Uyên kinh ngạc: “Câu đầu sư phụ nói đã ứng nghiệm sao! Chẳng lẽ ta còn có thể sát nhân ư?”
Khi về tới nhà thì trời cũng đã khuya. Không muốn kinh động người nhà, Nhan Uyên dùng bảo kiếm mang theo bên người để đẩy chốt cửa phòng nơi thê tử của anh đang ngủ.
Đến bên giường, sờ lại thấy hai người nằm hai bên giường. Nhan Uyên vô cùng tức giận, giơ kiếm định chém, lại nghĩ đến câu nói thứ hai của Khổng Tử: “Sát nhân không rõ chớ động thủ”, bèn đốt đèn lên xem, hóa ra một người là thê tử, người kia là muội muội của anh.
Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay trở lại, thấy Khổng Tử liền quỳ xuống nói: “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó! Sao người lại biết trước chuyện sẽ xảy ra vậy?”
Nhan Uyên cảm thấy kính phục thầy sâu sắc, cũng đã biết được ẩn ý của Khổng Tử. Khổng Tử đỡ Nhan Uyên dậy và nói: “Ngày hôm qua thời tiết khô nóng, đoán chừng sẽ có cơn dông, nên ta nhắc nhở con: “ngàn năm cổ thụ không ai náu thân”, con lại mang khí bực trong người, trên thân đeo bảo kiếm, cho nên ta khuyên con “sát nhân không rõ chớ động thủ”!”
Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”
Khổng Tử lại nói tiếp: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói 3 nhân 8 bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói 3 nhân 8 bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó! Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”
Nhan Uyên bỗng giật mình tỉnh ngộ, quỳ gối trước mặt Khổng Tử mà thưa: “Sư phụ trọng đại nghĩa coi nhẹ tiểu tiết, đệ tử còn tưởng rằng Sư phụ vì lớn tuổi mà thiếu minh mẫn, đệ tử hổ thẹn vạn phần!”
Từ đó về sau, bất luận Khổng Tử đi đến đâu, Nhan Uyên theo đến đó không rời sư phụ...
Câu chuyện này gợi cho tôi nhớ tới ca từ trong một bài hát tuyệt vời của Khắc Lý Lâm: 
  “Nếu như mất đi bạn, được cả thế giới cũng để làm gì?”
– Tranh cãi với khách hàng. Bạn thắng rồi. Khách mất đi.
– Tranh cãi với đồng nghiệp. Bạn thắng rồi. Đoàn đội tiêu tan.
– Tranh cãi với người nhà. Bạn thắng rồi. Tình thân biến mất.
– Tranh cãi với bạn hữu. Bạn thắng rồi. Bạn hữu dần xa.
– Tranh cãi với vợ / chồng. Bạn thắng rồi. Tình cảm nhạt phai.
– Tranh cãi với bất kỳ ai. Bạn thắng rồi thì sao??? Thắng có nghĩa là bạn THUA???
Hãy tranh cãi, tranh đấu với chính bản thân. Nếu tự thắng Bản thân sẽ trở thành người: Từ Bi, Khiêm Tốn, Bao Dung Độ Lượng… thì lúc đó bạn mới thật sự THẮNG”.