Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

TÌNH BẠN


TÌNH BẠN
(Kỷ niệm một thời tuổi trẻ)


Cổ nhân có câu: "thà làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm chủ thằng ngu". Thật chí lý!

Nhưng khi đề cập đến việc chọn bạn mà chơi, thì cổ nhân tỏ ra ... lúng túng lắm, không biết vì 'cổ nhân' đã già quá mà ... "quên" không nhắc đến, hay vì cũng đã có những kinh nghiệm đắng cay với những ông bạn "phá gia chi tử" trên đường đời nên cổ nhân phài "lờ" đi chẳng dại mà đưa ra lời khuyên nào, nhỡ sai thì còn gì là ... "uy tín".
Đám hậu sinh như chúng mình đành phải quyết định lấy, và câu "giầu vì ... bạn" thì cũng không nên tin lắm chỉ là hên sui mà thôi.



Câu chuyện này chắc cũng nhiều người còn nhớ, vì tất cả các báo chí Saigon đều đăng trên trang nhất. Ngày đó, lối suy nghĩ và hành xử cuả các thanh niên chúng tôi thật khác hẳn bây giờ, đời lính tráng chẳng có mấy lúc được nghỉ ngơi, nhớ bạn bè nhưng lại chẳng mong nhận được tin, vì phần nhiều là loại tin "... mới anh dũng hy sinh", nghe nản lắm.
Cho nên mỗi lần được nghỉ phép, cái thú lớn nhất của tôi là phóng xe đi từng nhà mỗi thằng bạn để tìm, may gập được thằng nào thì kéo nhau ra La Pagode ngồi đấu láo.
Lần chót được đi phép cuả tôi là khoảng cuối năm 1974, đang cưỡi xe Honda tà tà thì bỗng một bàn tay từ phiá sau vỗ mạnh vào vai, kèm theo một tiếng kêu thảng thốt:
"May quá, tao đang đi tìm mày"
Tôi giật mình quay lại thì thấy người mới vỗ vai mình là một ông Sư, áo nâu sồng, râu tóc nhẵn nhụi, đang chạy xe Mobylette, trông quen mặt lắm nhưng trong một lúc bất chợt, chưa thể nhận ra vì rõ ràng mình có quen vị Sư nào đâu.
"Mày không nhận ra tao à, Lượng đây"
Đến lúc đó thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là một thằng bạn thân, Lượng "tay chơi", nổi danh khắp các vũ trường Sài gòn với 17 bước Tango, mà trong thời Sinh viên đói rách, nhờ quen anh ta mà tôi cũng đã được đi nhậu "ké" nhiều lần.
"Uả, mà ông xuống tóc đi tu hồi nào vậy, cũng có chùa dám nhận ông à?"
"Câu chuyện dài lắm, ghé quán cà phê nói chuyện, đúng là trời đã thương tao mới cho gập mày ở đây, không có tao cũng phải xuống tận đơn vị tìm mày".

Trong suốt hai giờ đồng hồ, "sư ông" mới tâm sự với tôi là anh chẳng may "lỡ" làm cho một cô nữ sinh, con cuả một ông lớn, rất có "thế lực".... có bầu. Bị dọa giết, nên đành xuống tóc, ẩn thân nơi cưả ... từ bi.
"Thế mà ông còn sống được đến bây giờ à ?"
"Mẹ kiếp, Saigon này nhỏ như cái lỗ mũi, bố cô ấy lại làm lớn, kiếm đâu chẳng ra. May cho tao là cô ấy rất thương tao, và bà mẹ lại không muốn có đứa cháu ngoại mà không có tên cha trong khai sanh nên tìm đến bắt tao "tự thú .. trước bình minh."

Nghe anh ta kể, tôi mới biết "Chuyện tình Lan và Điệp" là có thật! Chỉ khác một chút là mỗi ngày Cô Lan và bà mẹ cứ đến trước cổng chuà giật chuông bắt chú tiểu Điệp .. về lấy vợ, để giữ "thanh danh" cho nhà gái.
"Thế sao ông không lấy cô ấy đi cho rồi ?"
"Mày muốn con vợ tao nó xé xác tao ra à"

Lúc đó tôi mới nhớ ra là 6 tháng trước tôi vưà đi ăn cưới "cha nội" này.
Mấy anh chàng có số "đào hoa" kể ra cũng đến khổ. Mới 30 tuổi mà đã có đến hai đời vợ, khi bà vợ cả mất trong một tai nạn, chính anh đã đến xin tôi viết một câu đối để trên bàn thờ, tôi cặm cụi đến 2 tiếng đồng hồ "nặn" ra:

"THƯƠNG NGƯỜI MỆNH BẠC - MỘT NẮM TRO XƯƠNG"

Ngày ngày hai buổi, anh thắp nhang thủ thỉ trước bàn thờ vợ rất thành khẩn trong suốt 6 tháng trời. Ai thấy cũng thương cảm, bà mẹ vợ rối rít khen thằng con rể "chung thủy" !
Nhưng sang tháng thứ bẩy thì anh ... lấy vợ mới, là một cô "ca-ve" nổi tiếng dữ như chằng.
Ai phiền trách thì anh chỉ lẳng lặng chỉ cái bàn thờ vợ mà câu đối đã được sửa đi vài dấu:
"THƯƠNG NGƯỜI MỆNH BẠC ... MỘT NĂM TRỞ XUỐNG!”
Bảy tháng thì chắc chắn ít hơn một năm ... còn trách cứ gì nữa?


Ông bạn này tính rất lạ, là con một trong một gia đình giầu có, được bố mẹ rất chiều chuộng, nên anh ta thường tuyên bố "ở đời này chẳng có gì đáng sợ cả ". 
Nhưng đối với bà vợ hai dữ như chằng thì anh ta sợ thật, bây giờ lại thêm "double trouble", bị một "ông lớn" đầy quyền uy doạ giết, đành phải tìm tôi nhờ đóng vai "Lê Lai cứu chuá".

"Tao lạy mày, hãy cứu tao thoát cả 2 lằn đạn"
Bản tính tôi vốn hiền lành, và hay cả nể, nhưng đứng trước nguy cơ này đành phải tìm cớ thoái thác:
"Sao ông không kiếm những thằng bạn chí cốt cuả ông như thằng Khoa "điếm" mà lại nhờ tôi "?
"Mẹ kiếp, thế thì nói làm gì, nó cũng đã có vợ rồi, lại thêm chữ "điếm" kèm theo tên nó thì đời nào nhà bên ấy họ đồng ý, nếu mày mà không giúp tao thì cứ xem như hôm nay là ... ngày giỗ cuả tao"
Nhưng tôi "khờ" lắm, chẳng hiểu họ có chịu không"?
Anh ta bật cười:
"Nghe mày nói tao mới biết mày khờ thật, vì không biết lợi dụng "ưu điểm" cuả mình, nhưng để tao dậy cho bài học cơ bản về hôn nhân: những thằng trông khờ khờ như mày, con gái nó không thích, nhưng ... mẹ nó lại thích. Tấn công em không xong thì đến năn nỉ "bà già" nó lại chắc ăn hơn”.
Tay chơi" thật chẳng hổ danh khi nghe nó nói "đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra".
Đến nước này thì tôi còn từ chối thế nào được nưã, té ra tôi cũng có "ưu điểm", chỉ một "chiêu" sơ đẳng này cũng đủ sức kiếm vợ, nếu từ chối nữa thì còn gì là ... "tình bạn".


Thế là trong suốt hai tuần lễ, tôi phải đi đặt in Thiệp Cưới mà "chú rể" là ... tôi, còn "cô dâu" thì tôi mới chỉ biết tên chứ chưa hề thấy mặt Kể ra cũng có cái thú, cứ như được sống vào Thế Kỷ trước, phải đến đêm động phòng mới được thấy mặt ...vợ mình.
Khó khăn nhất là mời bên họ hàng "nhà trai", vì ông bạn tôi yêu cầu chỉ được mời những thanh niên to khoẻ, không quen biết ai bên đằng gái và nhất là phải đi một mình, không được mang vợ theo. Nhưng khó khăn này cũng được giải quyết dễ dàng vì tôi đã mang 30 Thiệp Cưới "phát chẩn" cho các bạn đồng môn ở Võ đường Tae-Kwon-Do, điều kiện tối thiểu là từ "đai nâu" trở lên.

Lần đầu tôi thấy mặt "Tân Nhân", là lúc cùng "cô dâu" đứng trước cưả nhà hàng Arc-en-ciel để chào đón quan khách.
Tôi thật sự choáng váng trước vẻ đẹp cuả "vợ" tôi, dù đôi mắt em buồn vời vợi, nhìn "tân lang" không mấy thiện cảm, nhưng trong bộ áo cưới "tinh khiết" dù bụng có ... hơi to một chút, nàng vẫn toát ra vẻ đẹp bí hiểm của một người đàn bà có bầu mà chưa bị ... "thai" hành!

Nhưng đặc biệt là ông bố vợ rất "ngầu" cuả tôi lại nhìn tôi với cặp mắt rất vui vẻ, "chan chứa tình người".


Ánh mắt của cô "vợ" tôi chỉ thoáng vui lên khi nhìn thấy phái đoàn cuả "Sư ông" được vây quanh bởi 30 võ sinh trong bộ đồng phục trắng toát của võ đường, trông chẳng khác gì cảnh trong phim "Đại phá Thiếu Lâm Tự" mới chiếu mấy tháng trước.
Sư ông (?) còn dừng lại trước mặt cô dâu, chú rể chúc mừng:
"Thầy xin chúc ... hai con Trăm Năm Hạnh Phúc"

Và phớt lờ ánh mắt rực lửa của bố cô dâu, đang mắc hỡm vì bị trúng kế "Kim Thiền Thoát Xác" của ông bạn tôi.
Chỉ có cô dâu là … bật khóc khi nghe lời chúc mừng!


Tuy nhiên, đặc tính của tuổi trẻ là mau quên, chỉ một thoáng sau đó là cô dâu đã nhìn tôi với ánh mắt đầy thương yêu, sau hai lần tôi phải cấp tốc đưa nàng vào phòng trang điểm vừa vỗ lưng, vừa xoa bụng giúp cô khỏi ...nôn ọe, có lẽ do qúa xúc động trước tình yêu ... đến muộn.

Đám cưới con gái ông lớn có khác, nhiều bà bình luận là lớn chẳng thua gì ...đám cưới con gái Tổng Thống Thiệu! Chỉ có điều hơi khác thường ở sự bố trí ở một góc khuất cuả nhà hàng có tới 6 bàn toàn là thanh niên độc thân, 3 bàn thuộc nhà trai gồm toàn võ sư thượng đẳng ngồi vây quanh để "bảo vệ" một nhà sư, và 3 bàn bên nhà gái trông cũng hung tợn không kém, cả 60 ông đều lầm lỳ uống rượu như uống nước.
Người đau khổ nhất trong đám cưới là ... tôi, người đóng vai chú rể khi phải tháp tùng cô dâu đi "chào bàn", nhất là khi qua những bàn cuả các quan khách trẻ tuổi, cứ yêu cầu … "chú rể phải hôn cô dâu".
Tôi lúng túng cũng phải vì mục này không có trong "kịch bản" và nhất là tới lúc này tôi mới "chợt" nhớ ra là mình chưa... hôn ai bao giờ nên cũng không biết .. .phải "hôn" vào chỗ nào cuả cô dâu.
Riêng bà mẹ cô dâu thì có vẻ hạnh phúc lắm vì có một ông con rể mới trông rất ... ngây thơ!

Đám cưới kết thúc khá tốt đẹp, nghe nói chỉ có một trục trặc "nhỏ" là đám mấy chục thanh niên, có lẽ vì "nốc" quá nhiều rượu, đã đánh lộn, phá tan nhà hàng sau khi "sư ông" đã lanh chân tẩu thoát.
Chỉ riêng tôi không hề biết có vụ đánh lộn này vì phải đóng hết vai trò chú rể, đưa cô dâu lên xe hoa trực chỉ hướng Đà Lạt để ... "dưỡng thai".

Lời nói cuối cùng tôi nghe được là tiếng hét: 
"Ngưng lại, đánh lộn người rồi", trước khi bất tỉnh vì bị ai đó đập một chai bia vào đầu.


Sáng hôm sau tỉnh lại trong Bệnh Viện Saigon, thì tôi cảm động lắm vì có đến hai người đàn bà rơm rớm nước mắt đứng ở ngay đầu giường bệnh là bà mẹ vợ và cô dâu mới cưới ... tối hôm qua cuả tôi.
Bà mẹ vợ tôi nói với tôi bằng giọng trìu mến:
"Mẹ cám ơn con nhiều lắm, một ngày là một nghĩa! Mẹ chỉ mong con đã giúp em thì ... giúp cho trót"
Tình thế bắt buộc tôi phải nhận lời, nhưng "giúp cho trót" như thế nào thì là chuyện riêng tư, không thể kể ra đây được.

Riêng cô dâu mới của tôi thì ... thỏ thẻ:

"Cưng cuả em may lắm!"
Tôi ngạc nhiên vô cùng, chỉ vì "tình bạn" mà người "ngay" mắc nạn, bị đánh đến bất tỉnh thì may mắn nỗi gì ? Nhưng hôm sau thì mới biết là tôi may thật! khi nghe "cô dâu mới" tiết lộ:
"Bố em đã ra lệnh, ngay sau đám cưới phải "thiến" ...thằng đó, để trừng trị cái tội làm hư đời con gái nhà người ta"
Nhưng lệnh lạc lại không ... rõ ràng hoặc do mấy ông đệ tử say quá nên đã trừng trị lầm đối tượng là ... tôi.
Nếu không có tiếng thét "Ngưng lại, đánh lộn người rồi" cuả cô dâu mới thì chắc tôi đã thành:
 "Viên Thái Giám Cuối Cùng Của Triều Nguyễn

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

CÁI BÓNG CỦA VỊ THẦY TU



 CÁI BÓNG CỦA VỊ THẦY TU
(tặng bạn tôi N.V.L) 
    Dừng xe trước quán cà phê nằm bên triền núi, tôi kéo Lân vào ngồi bên chiếc bàn nhỏ, nằm riêng rẽ dưới bóng mấy cành thông. Ngày thường, quán vắng khách. Đã hơn bốn giờ chiều mà mặt trời đang ở trên đỉnh đầu. Mùa hè Bắc Âu ngày dài ra, có những ngày cuối tháng sáu, gần như không thấy bóng đêm. Trời nắng, nhưng không nóng lắm. Thỉnh thoảng có vài cơn gió làm lung lay những cành thông, như muốn khuấy động cái không gian tĩnh mịch và tạo thêm chút mát mẻ, thư thái cho khách nhàn du.
Đến đây đã nhiều lần, dần dà bọn tôi trở thành khách quen của ông chủ quán, người Na-Uy, vốn trước kia ở cùng xóm với tôi, nên đã dành cho chúng tôi sự tiếp đãi đặc biệt, thoải mái. Hơn nữa đã từng nghiên cứu về Đạo Phật, nên thấy Lân trong bộ áo thầy tu, ông chủ cũng tỏ ra ít nhiều tôn kính, có khi trao đổi đôi điều về Phật và Thiền học, mặc dù ông chưa hề biết quá khứ, nhất là cả một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi, hào hùng và biến động của Lân.
    Gần mười năm nay, sau khi về hưu, hằng năm, vào khoảng giữa tháng Mười, vợ chồng tôi thường sang Cali ở sáu tháng để trốn mùa Đông Bắc Âu, mà với tuổi già càng lúc cái lạnh như càng ngấm vào da thịt và cả trong lòng mình.  Đến hè, mỗi lần trở lại Na-Uy, tôi thường ghé lại thăm Lân. Từ lúc nhận ra tuổi già qua nhanh quá, cái quỹ thời gian không còn nhiều, và một số bè bạn đã lần lượt ra đi, chúng tôi dành nhiều thì giờ cho nhau hơn. Lân về hưu trước tôi một năm, và anh đã chọn một hướng đi đặc biệt cho tuổi già: tu tại gia. Anh xuống tóc, ăn chay trường và mỗi ngày sống với kinh kệ như một vị thầy tu, mặc dù không đến chùa. Anh cho rằng cái khung cảnh và sinh hoạt ở một số chùa chiền bây giờ không thích hợp với anh. Hầu hết bạn bè và những người quen biết đều tôn trọng cái quyết định đó, cũng như rất mến mộ phong cách, đạo đức của anh. Thực ra, trước khi chọn con đường tu hành, anh cũng đã có đầy đủ tố chất của một vị chân tu rồi. Hiền lành, đạo hạnh, luôn chia sẻ tấm lòng với tha nhân, nhất là những người không may, gặp điều khốn khó, và với ai anh cũng luôn nở một nụ cười hiền hòa nhân ái. Lân dùng nguyên ngôi nhà ở sửa sang lại làm tịnh thất, nằm trong khu ngoại ô, bên bìa rừng yên tĩnh. Anh sống ẩn dật, chỉ tiếp vài ba người bạn chí thân.Tôi thường đến đây với Lân, có khi ở lại cả tuần, theo anh ngồi tĩnh tâm hay tập thiền, nhưng thỉnh thoảng Lân cũng chìu tôi, theo tôi ra ngồi ở cái quán cà phê  bên vách núi yên tĩnh này. Tôi nghĩ đây là nơi lý tưởng để Lân còn nhìn thấy một chút "thế gian" và chúng tôi có thể ngồi hằng giờ tâm sự chuyện đời xưa,  nhắc nhớ khoảng thời gian khá dài mà chúng tôi có cùng chung quá khứ.
***
   
  Tháng sáu năm 1976, sau khi bị chuyển tù ra Bắc, đến Trại Hang Dơi thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi gặp lại người bạn cũ, có thời ở cùng đơn vị. Anh ở khác lán với tôi, nhưng cùng tổ và nằm bên cạnh Lân. Qua anh bạn này, tôi quen biết Lân từ đó, để rồi sau này trở thành thân thiết. Điều đặc biệt là dù qua bao lần "biên chế", bị chuyển đi nhiều trại, Lân và tôi đều được may mắn, đi chung với nhau cho đến ngày Lân ra tù, tháng 9 năm 1981.
    Trước ngày miền Nam thất thủ, Lân là thiếu tá, làm việc ở Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân (thuộc Bộ Tư lệnh Không Quân). Một công việc bất đắc dĩ, ngoài sở thích của Lân. Anh vốn là phi công trực thăng được chuyển về đây sau khi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa và được Hội Đồng Giám Định Y Khoa xếp vào loại 2, không thể phi hành hay chiến đấu được. Anh bị trọng thương trong một chuyến bay cấp cứu (rescue) một phi hành đoàn bạn bị bắn rơi trong trận chiến An Lộc.
     Lớn hơn tôi một tuổi.  Lân tình nguyện vào Không Quân và được sang Mỹ học ngành hoa tiêu trực thăng. Về nước được bổ sung cho Phi Đoàn Long Mã 219 ở Đà Nẵng, từ thời còn xử dụng trực thăng loại H-34, về sau này được thay thế bằng UH-1. Đây là một phi đoàn đặc biệt. Trên các máy bay sơn toàn màu đen, không vẽ quốc kỳ và  bất cứ danh hiệu hay mã số nào, ngoài hình những lá bài "ách xì" cơ, rô, chuồn, bích. Phi Đoàn có nhiệm vụ thả và bốc các toán lôi hổ, biệt kích, hoạt động trong vùng đất địch. Lân nổi tiếng là một phi công tài giỏi, thông minh và can đảm.
      Sau đó, được thuyên chuyển về một phi đoàn thuộc Vùng 3. Năm 1970, Lân cùng phi đoàn đã đóng góp nhiều chiến công trong các cuộc hành quân sang lãnh thổ Cam- Bốt. Năm 1972, tham dự trận chiến An Lộc, đổ quân, tản thương cho Liên Đoàn 81 BCND và một số đơn vị thiện chiến1944 khác, Lân mấy lần bị thương nhẹ, được đặc cách thăng cấp thiếu tá. Khi đã có lệnh và đang chờ thuyên chuyển đến một phi đoàn khác để giữ chức vụ Phi Đoàn Phó, thì anh tình nguyện tham gia phi vụ cấp cứu (rescue) một phi hành đoàn bạn bị bắn rơi. Nhờ tài năng, lòng dũng cảm và nhất là tình đồng đội "không bỏ anh em không bỏ bạn bè", anh đã bất chấp mọi hiểm nguy, cứu được 3 trong 4 người của một phi hành đoàn, khi phi cơ phải đáp khẩn cấp vì bị trúng đạn phát hỏa, người xạ thủ đã bị tử thương. Được bốn gunships yểm trợ, Lân đã lừa địch và bất ngờ đáp xuống trong màn lưới đạn, bốc ba người bạn đang bị Cộng quân truy bắt. Nhưng khi vừa bốc phi cơ lên, Lân bị trúng hai viên đạn, làm gãy xương cánh tay và ống chân trái. Sau này, trong một dịp tình cờ, tôi gặp anh co-pilot trong phi vụ này, kể lại chuyến bay rescue vô cùng hiểm nguy với tất cả lòng thán phục Lân.  Anh bảo, nếu không có Lân hôm ấy, chắc chắn việc cấp cứu đã không thành và ba người bạn cùng phi đoàn đã bị địch quân giết hay bắt sống.
     Khi ở trại Nghĩa Lộ, tôi được sắp xếp cùng tổ với Lân. Chúng tôi thuộc đội phát rừng (vào mùa Đông) và tăng gia (vào mùa Hè, vì mùa Đông, ở vùng này rất lạnh, không trồng rau được). Tù ăn uống thiếu thốn và lao động cực khổ, nhưng Lân rất khỏe mạnh. Có lẽ nhờ vào khả năng mưu sinh. Phải nói đây là một sở trường đặc biệt của Lân mà bạn tù ai cũng nể phục. Anh có thể bắt tôm, cá bằng tay không,  khi đứng giữa một dòng suối hay con sông. Nhìn dấu chân các loài vật anh biết ngay đó là con vật gì. Chỉ cần một nhánh cây anh có thể "sáng chế" thành một cái bẫy để bắt các loại chim, chồn, và cả thỏ rừng. Nhờ vậy mà anh nuôi sống cả một tổ tù, đặc biệt cứu vài người bị đau bệnh, kiệt sức. Anh còn biết cả thuốc Nam, các loại lá, vỏ cây trị bệnh. Một lần đi rừng chặt nứa, tôi bị một con ong đất chích vào tay, sưng vù lên và tím cả một vùng da. Lân cho biết nọc loài ong này rất độc, có thể làm chết người. Anh dùng dây rừng cột chặt cánh tay tôi lại, đi tìm một loại lá và vỏ cây gì đó đắp lên. Chỉ sau một giờ đồng hồ vết sưng biến mất. Một buổi trưa nhân ngày lễ, được nghỉ lao động, anh đã câu được gần ba mươi con ếch ngay trong trại, dưới các rãnh mương thoát nước. Chính tay trưởng trại đã đi theo xem và phục tài của Lân. Tất cả ếch câu được đều giao cho nhà bếp "hậu cần" để có thêm chất thịt cho anh em.  Lân cho biết là chỉ cần nghe tiếng ếch kêu đêm hôm trước là anh biết có khoảng bao nhiêu con và đang trốn ở đâu. Cần câu chỉ là một thanh tre và một sợi chỉ từ cái bao cát được Lân xe lại, và mồi câu chỉ bằng một miếng bông gòn nhỏ. Tối hôm ấy, tôi khuyên Lân nên chấm dứt chuyện câu ếch và cần phải giấu kín cái tài mưu sinh, vì có thể bị bọn cai tù nghi ngờ, "ra tay" trước đề phòng khả năng anh trốn trại. Tôi cũng ngạc nhiên, khi Lân là một phi công "hào hoa", nhưng khả năng mưu sinh thoát hiểm rất tuyệt vời. Lân cho biết, khi còn nhỏ, nhờ cả thời tuổi thơ sống bên quê ngoại, một vùng quê ở Tây Ninh, anh đã theo đám bạn bè và cả những người nông dân lớn tuổi, học được rất nhiều điều như thế.
      Điều làm tôi nể phục hơn, ngoài mưu trí, lanh lẹ, Lân còn là một con người gan dạ, liều lĩnh và chí tình với bạn bè. Một lần trải qua một trận kiết lỵ kéo dài, thuốc men không có, tôi chỉ còn khoảng ba mươi ký, kiệt sức đứng không vững. Lơi dụng lúc đi lấy "phân xanh" ( loại lá cây để ủ thành phân bón), không có vệ binh canh giữ, Lân đã lén vào trại heo của Hợp Tác Xã (cách trại khoảng vài trăm mét, mà trước đó đám tù bọn tôi có đến vài lần làm chuồng cho họ) bắt một chú heo con (heo sữa) mang về giấu ngoài khu vực tăng gia (nằm sát bên hông trại), để hôm sau vùi vào hầm lửa ( do tù đào và dùng các gốc cây đốt lửa sưởi ấm) cho tôi ăn dần. Nhờ đó mà tôi sớm lấy lại được sức. Một lần khác, khi được giao cho công việc lên phơi lúa trên sân trại, nằm ngay trước ban chỉ huy trại, Lân thấy có một buồng chuối thật dài sắp chín được đám bộ đội chăm sóc cẩn thận, bao lại bằng mấy tấm bao cát và chống lên bằng hai thanh gỗ. Vài hôm sau, trong một buổi sáng sớm mùa Đông, khi sương mù còn dày đặc (đứng cách vài thước không nhìn thấy nhau), Lân đã lẻn lên sân trại cắt trộm cả buồng chuối mang ra chôn giấu ngoài khu lao động. Hai hôm sau chuối chín, chờ lúc không có mặt tay quản giáo, Lân đào buồng chuối lên để cả tổ cùng ăn. Vì sợ mùi chuối chín dễ bị phát hiện, nên Lân đề nghị phải ăn cho hết. Một thời gian quá lâu thiếu chất đường, nên cả tổ tám người thanh toán buồng chuối khoảng một trăm quả trong vòng 20 phút đồng hồ mà vẫn chưa thấy ngọt. Nhưng vì ăn nhiều quá, nên khi vừa đứng dậy, cả bọn bị ói thốc tháo ra toàn là chuối.
      Biết tài bắt cá của anh, nên mỗi lần trại tù hay hợp tác xã bên cạnh tổ chức "tảo" các hồ cá để thả cá con, Lân đều được chọn đi bắt cá. Hầu hết các hồ chỉ nuôi loại cá trắm cỏ, nhưng có nhiều loại cá khác, như cá lóc, cá trê sống trong đó, sẽ ăn hết đám cá trắm cỏ con. Nên trước khi thả cá, phải "tảo"hồ, băng cách bơm cạn và bắt tất cả các loại cá khác nằm dưới bùn. Lân sở trường về việc này. Nhưng thay vì  phải giao tất cả cả bắt được cho trại, anh tìm vài cái hang dưới bờ hồ, tạo thành những cái hộc để nhốt một số cá lóc vào đó. Những cái hồ cá này, cũng là nơi cho tù rửa ráy hay tắm sau giờ lao động. Và cứ mỗi lần tắm, Lân lại bắt một con cá nhốt sẵn trong hộc, mang về cho cả tổ cùng ăn. Vì là đội tăng gia, được giữ mấy cái bình tưới bằng nhôm, nên dễ dàng giấu cá trong đó mà không bị "phát hiện".
      Có một kỷ niệm tôi không thể nào quên. Một khoảng thời gian ở Trại Hang Dơi, bọn CS luôn tìm mọi cách vắt kiệt sức của chúng tôi. Tất cả tù đều phải lên rừng chặt nứa (loại tre nhỏ) mang về bán cho nhà máy giấy Việt Trì, theo hợp đồng của trại. Chỉ tiêu mỗi ngày là ba mươi cây. Nếu không đủ, sẽ không được nhận khẩu phần ăn. Chỉ sau một tháng là nứa ở các vùng núi chung quanh trại tù hết sạch. Chúng tôi phải chia nhau một toán ba người đi rất xa lên các dãy núi cao tìm nứa.  Lân và tôi luôn đi chung một toán. Trời mùa Đông, lạnh buốt xương, và suốt cả ngày mưa phùn rả rích. Các lối mòn, ngõ ngách lên núi biến thành bùn nhão, trơn như mỡ. Bọn tôi phải đóng những cái cọc ngắn dọc trên các con đường, mỗi lần vác nứa xuống, dùng đầu ngón chân tì vào các cọc để không bị trượt ngã xuống vực. Nguy hiểm hơn là khi bị té ngã, bó nứa chùi xuống đâm vào người đi trước, có thể mất mạng. Một buổi trưa, len lỏi trong rừng già, rất khó khăn để chui qua những cây mây già, nằm chằng chịt như những con trăn dài chặn các lối đi, những cây cổ thụ cao to che hết ánh sáng mặt trời. Khi bọn tôi đang lo âu có thể bị lạc đường, chia nhau đi chặt vào các thân cây làm dấu, thì bất ngờ một một cây cổ thụ bỗng rung rinh, lá cây xào xạc,  bóng một con vật to lớn nhảy xuống. Cả ba thằng khựng lại, rồi như theo bản năng, nhanh chóng tìm lại ngồi sát vào nhau, mặt thằng nào cũng tái xanh. Bỗng Lân quát lớn: "Đừng sợ, đứng dậy, đưa dao lên!" Tôi làm theo Lân như cái máy. Khi hoàn hồn, nhận ra ngay trước mặt mình không xa, một con dã nhân (vượn người?), cao to bằng ba con người, lông lá đầy mình, mặt mày dữ tợn, đang rú gào đe dọa chúng tôi. Lân rất bình tĩnh, bảo bọn tôi cùng hét thật lớn và bước tới với con dao đưa lên chém vào không khí. Không ngờ con dã nhân lùi lại, rú thêm mấy tiếng rồi nhảy phóc lên cây, phóng đi nơi khác. Hôm ấy bọn tôi về tay không và biết là sẽ bị phạt mất phần ăn, nên Lân đã đi tìm mấy mụt măng rừng và luộc lên cho bọn tôi ăn đỡ đói. Tôi và anh bạn tù kia phục Lân vô cùng. Nếu hôm ấy mà không có Lân, chẳng hiểu bọn tôi sẽ phản ứng ra sao. Cũng đã từng bao lần vào sinh ra tử, nhưng đứng trước một tình huống quá bất ngờ này, thực tình chúng tôi mất hết bình tĩnh, chẳng biết cách nào đối phó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con vật lạ lùng, ghê sợ, mà trước đây chỉ biết mơ hồ qua sách vở và lời kể của ông bà.
     Năm 1979, trước khi chuyển trại để rời khỏi Hoàng Liên Sơn, vì Trung Cộng đang tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc, đội tù chúng tôi được chọn ra hai tổ đi lao động "thông tầm", gặt lúa cho một HTX nông nghiệp, ở cách xa trại khoảng mười cây số. Lân được chọn làm toán trưởng. Chúng tôi khoảng 20 người, đi bộ, có hai tên vệ binh đi theo. Đến nơi vào buổi chiều, trời sắp tối, bọn tôi được trú ngụ trong một cái đình làng bỏ hoang, một phần mái và một bức tường đã rệu rã. HTX dùng cái sân đình để chứa và phơi lúa. Không biết có phải để "khuyến khích tinh thần" hay tạo thêm sức, HTX "bồi dưỡng" cho bọn tôi một bữa xôi nếp với thịt trâu khá no nê. Có cả một xị rượu mía. Đây có lẽ là bữa ăn thịnh soạn nhất trong đời tù bọn tôi.
      Sáng hôm sau, tay Chủ nhiệm HTX hướng dẫn chúng tôi ra khu ruộng, nằm cách ngôi đình làng khoảng 100 mét. Khi đến nơi bọn tôi mới ngỡ ngàng. Đây là những đám ruộng sình, lúa rất tốt, nhánh nào cũng trĩu đầy hạt, nhưng nếu bước chân xuống ruộng, người ta sẽ bị lún sâu xuống ngay, khó mà ngoi lên được, vì càng cử động, tìm cách thoát lên, lại càng bị lún xuống thêm, có thể ngập đầu. Bọn tôi lắc đầu ngán ngẩm, khi vừa hiểu ra cái giá của bữa cơm nếp có thịt trâu, rượu mía tối hôm qua. Trong khi cả bọn nhìn nhau bất lực, Lân đưa ra sáng kiến. Dùng các tấm cửa cũ của ngôi đình bỏ hoang, cột dây kéo hai đầu, chỉ cần một người (chọn những người nhẹ ký nhất) ngồi trên tấm cửa, gặt lúa, những người còn lại, đứng trên bờ hai đầu, thay phiên kéo và giữ thăng bằng tấm cửa và an toàn cho người gặt lúa. Một tấm cửa khác kéo theo bên cạnh, để chứa những bó lúa gặt được. Khi nào đầy lúa, người gặt ra dấu, để được kéo vào bờ. Sáng kiến của Lân được mọi người hoan nghênh, kể cả tay Chủ nhiệm. Khoảng mười tấm cửa cũ đủ loại lớn nhỏ được mang ra sử dụng, một số cuộn dây được cung cấp, kể cả một số tre được mang tới để vài anh chẻ ra đan thành những cuộn dây dài.  Không ngờ sáng kiến của Lân lại tuyệt vời. Chỉ hai hôm, tất cả lúa trên hơn mười thửa ruộng sình được gặt xong. HTX "thu hoạch" được số lượng lúa khá lớn. Tay Chủ nhiệm xin cho bọn tôi được ở lại thêm một ngày để nghỉ ngơi và "liên hoan".  Ăn cơm trắng với cá "trám cỏ". Thấy có một cái trống rách, bỏ nằm lăn lóc trong góc đình, Lân bèn nghĩ ra một điều "kỳ lạ" khác.  Anh tháo da từ cái trống ra, mượn một cái chảo đun sôi gần cả một đêm, sáng hôm sau, các miếng da nở ra, mềm, dẻo và trắng mướt. Lân thái nhỏ ra, xin thêm đậu phụng (lạc), giã nát cùng với ít rau, rắc lên. Miếng da rách trong chiếc trống lăn lóc ngày hôm qua, bây giờ đã trở thành một món ăn khoái khẩu. Những bạn tù hôm ấy chắc chắn không ai có thể quên Lân và những ngày tù thật đặc biệt này.
        Sau khi được chuyển về Trại Nghệ Tĩnh, Lân rủ tôi và một người bạn thân nữa tổ chức một cuộc trốn trại. Tôi rất tin tưởng vào khả năng vượt thoát của Lân. Thời gian này bắt đầu được thăm nuôi, Lân đã nhờ người nhà mang theo nhiều thức ăn khô, một số tiền mặt và một cái địa bàn nhỏ dấu kín trong hũ mắm ruốc. Nhờ hối lộ hậu hỉ cho tên công an phụ trách, nên mọi thứ đều trót lọt. Nhưng chưa tới ngày thực hiện thì bất ngờ Lân có lệnh thả. Anh rất ngạc nhiên về việc này. Kế hoạch trốn trại phải hủy bỏ, vì tôi và người bạn còn lại không tin vào khả năng của mình, nếu không có Lân.
         Năm 1983, sau gần một năm được chuyển về Trại Z-30 C Hàm Tân, tôi được thả. Ra trại, thay vì về quê ngoài Nha Trang, tôi vào Sài gòn tìm Lân. Vì trước lúc chia tay, Lân cho biết là sau khi về nhà, anh sẽ mua ghe tổ chức vượt biên. Anh còn dặn dò, bất cứ lúc nào ra khỏi tù, tôi nhớ tìm gặp anh ngay. Tôi luôn tin tưởng vào khả năng, đạo đức và chân tình của Lân.
      Thời gian trong tù, qua tâm sự của Lân, tôi biết rất rõ về nhà cửa, địa chỉ và tất cả những người trong gia đình anh. Ông cụ đã mất trước 75, Lân chỉ còn bà cụ đang sống với hai cô em gái trong ngôi nhà khá lớn ở bên Quốc lộ, gần Ngã Tư Hàng Xanh. Ông anh duy nhất là một Biên Tập Viên Cảnh Sát, làm việc tại Sài gòn, đã kịp rời khỏi Nhà Bè vào sáng sớm ngày 30.4.75.
      Lân được cả nhà, đặc biệt là bà mẹ hết lòng yêu thương. Chính vì điều này mà Lân đã không đành bỏ mẹ để ra đi khi CS chiếm Sài gòn, mặc dù khi ấy Lân có nhiều phương tiện trong tay, đã giúp khá nhiều bạn bè ra khỏi nước. Sau này Lân còn cho tôi biết, chính mẹ và các em gái của Lân đã bán nhiều tài sản và dùng vàng bạc giấu được sau các đợt "đánh tư  sản", tìm đường dây đến một tay thứ trưởng Bộ Nội Vụ CS mua cho Lân cái giấy ra trại, để vượt biên sớm.  Lân là một trong số rất ít tù được thả sớm từ miền Bắc trong thời gian ấy.
        Khi tìm đến nhà, tôi gặp mẹ và cô em lớn của Lân. Bà mẹ cũng là một người tu hành.  Bên kia phòng khách, tôi nhìn thấy một tượng Phật Quan Âm lớn hơn một người thật, cao gần đến trần nhà. Tôi bảo tôi là bạn tù rất thân của Lân vừa mới được thả ra, tìm đến thăm Lân, nhưng cả mẹ con đều bảo Lân đang sống ở vùng kinh tế mới dưới Phước Tuy. Nhìn vẻ mặt của hai người tôi biết là họ đang nghi ngờ tôi, có thể là một gã công an nào đó muốn thăm dò tin tức Lân. Khi tôi hỏi xin địa chỉ nơi ở của Lân trong vùng kinh tế mới để đi thăm, viện cớ là tôi ở ngoài Trung, sau này khó có thể gặp Lân, hai người bảo là không biết, hơn nữa người lạ cũng không được phép đến đó. Đoán là có điều gì xảy ra cho Lân, nên cả  mẹ và em Lân cố tình giấu giếm, tôi lấy tờ Giấy Ra Trại đưa cho cô em xem và kể thêm một số chi tiết về Lân cũng như những người trong gia đình. Khi ấy hai người mới tin và cho tôi biết là Lân tổ chức vượt biên, kéo theo một số bạn bè, nhưng chẳng may ghe bị mắc cạn ở cửa sông Mỹ Tho, Lân bị bắt và đang bị nhốt trong một trại tù rất khắc nghiệt. Tôi cám ơn và xin tạm biệt, nhờ chuyển lời thăm Lân khi có thăm nuôi. Tôi cũng để lại địa chỉ và nhờ nói lại với Lân, khi ra tù nhớ liên lạc với tôi. Mẹ của Lân bảo cô em vào lấy một số tiền biếu tôi. Tôi từ chối nhưng hai mẹ con nhất mực bắt tôi phải nhận. Cô em đã nhét tiền vào túi áo của tôi.
        Sau hơn tám năm, trở về nhà, chưa kịp làm quen với mấy đứa con, nhất là con gái út còn nằm trong bụng mẹ ngày tôi vào tù, và cũng chưa kịp hỏi được tin tức về nơi chôn cất cha tôi, ông đã chết trong môt trại tù khác trong Nam từ tháng 6/1976, thì bốn hôm sau, tôi được "mời" ra công an thị trấn, nhận cái giấy trả lại trại tù, với lý do "nhân dân địa phương không chấp nhận cho tôi được tạm trú". Khăn gói vào lại trại tù Z-30C, được cho ở tạm nhà thăm nuôi ba hôm, sau đó nhận một tấm Giấy Ra Trại khác, với nơi chỉ định tạm trú mới là sinh quán của tôi. Ở đó tôi chẳng còn ai, ngoài bà cô già, góa bụa sống trong ngôi nhà từ đường của ông bà nội tôi để lại. Tôi lại bị chính quyền CS ở đây hành hạ, làm nhục đủ điều. Không còn con đường nào khác, ngoài vượt biên. Nhờ một ông anh con ông cậu ruột, nguyên là một HSQ Hải quân, đang có sẵn ghe đánh cá, tôi liều lĩnh âm thầm khuyến khích và tổ chức vượt biên, chỉ dành cho gia đình và những người thân thiết nhất. Tôi nhờ đứa cháu vào nhà Lân. Rất may là Lân vừa mới ra khỏi tù hơn một tuần lễ, cũng nhờ bà mẹ lo lót.  Lân mua giấy tờ giả, đóng vai một "cán bộ thương nghiệp" ra Nha Trang công tác. Tôi gởi Lân ở chung nhà với một người bạn thân khác của tôi, là căn phòng nhỏ ngay phía sau một trường tiểu học mà anh là hiệu trưởng, không ai để ý. Đúng giờ hẹn, tôi cho người đón Lân bằng xe Honda và đưa Lân trốn trong một ghềnh đá sát bên bờ biển ở một nơi an toàn. Tôi hẹn cho ghe ghé đến, đậu xa bờ khoảng 200 mét, báo mật hiệu bằng đèn và cho thằng cháu chèo thúng chai vào đón. Nhưng Lân bảo không cần, vì thúng chai chèo chậm lắm, anh sẽ bơi ra tàu cho nhanh. Khi kéo Lân lên tàu, hai đứa ôm chầm lấy nhau, như thầm hứa hẹn một "trang sử" mới.
       Mặc dù có người anh định cư ở Mỹ từ 1975, nhưng Lân quyết định cùng đi Na-Uy với chúng tôi. Mấy lần tôi hỏi, có phải trong lòng Lân còn "hận" Mỹ, đã phản bội, bỏ rơi người bạn đồng minh, để đất nước và cả dân tộc mình điêu đứng lầm than?  Lân cười, bảo chỉ muốn sống gần tôi, người bạn đã cùng sống chết với anh trong suốt đoạn đời tù đày khốn khổ.
       Lân cùng học rồi cùng vào làm một sở với tôi cho đến ngày về hưu. Chúng tôi cùng hăng say hoạt động trong một tổ chức kháng chiến ngay từ ngày đến Trại Tị Nạn Bataan, Phi Luật Tân. Vào thời điểm ấy, tổ chức này rất nổi tiếng và được nhiều người khắp nơi tham gia, ủng hộ. Khi một cán bộ cao cấp của tổ chức từ Hoa Kỳ đến Na-Uy sinh hoạt, cả Lân và tôi xin tình nguyện được về "chiến khu quốc nội"(?), nhưng ông ta bảo không còn cần thiết nữa. Chỉ một tháng sau đó, tổ chức này rạn nứt, tan vỡ, phơi bày bao điều không thật, đau lòng. Chúng tôi thất vọng và phẫn nộ khi có cảm giác mình bị lừa dối. Những năm sau, Lân sang Mỹ nhiều lần, thăm ông anh, họp bạn bè và tìm hiểu các tổ chức, hội đoàn hoạt động ở đây. Anh háo hức, thiết tha mong được đóng góp phần mình. Lân thường bảo, cuộc sống lưu vong này sẽ trở nên vô nghĩa, nếu chúng ta không làm được điều gì. Chẳng lẽ rồi bọn mình cũng chỉ là những "con chim ẩn mình chờ chết!"hay sao?
      Cuối cùng, dường như Lân đã không tìm được một "ánh sáng nào ở cuối đường hầm". Anh bảo những hình thức, phô trương, những bộ quân phục và lon lá bị lạm dụng, những ông bà háo danh, tranh giành cộng đồng này, hội đoàn nọ, tệ nhất là mấy cái chính phủ với đám tướng tá tự phong, tự diễn, lố bịch như đám phường tuồng, làm anh muốn buồn nôn.
      Có những ông chưa có một ngày trong lính, nhưng lúc nào cũng tỏ ra là một nhà quân sự tài ba, huênh hoang chê bai ông tướng này ông tá khác, phê phán đủ các trận chiến ngày xưa. Cũng có những ông gốc lính, chẳng biết ngày xưa khí phách, tài năng đến đâu, giờ nằm nhà chửi bới, chụp mũ không sót một người nào.
      Bạn bè thì một số thoải mái với cuộc sống mới và đã biến thành những con người mới, quên mình đã từng là lính và bị tù đày. Một số thì tìm đến với nhau trong những hội hè, mong có nhiều cuộc họp mặt tiệc tùng, để có dịp mặc bộ quân phục, tìm lại chút "dư âm ngày cũ". Chưa kể một số đua nhau về Việt nam, để đi trở lại trên những "đường xưa lối cũ."  Lân bảo, vẫn biết mỗi người có quyền chọn cho mình một cách sống riêng để bù đắp những mất mát hay xoa dịu phần nào vết thương quá khứ, tất cả đều tội nghiệp, nhưng sao anh vẫn thấy có điều gì đó làm xót xa, đau đớn trong lòng.
      Đôi khi Lân than thở với tôi:
      -Đã hơn gần 30 năm sống trong cái cộng đồng ly hương này, sao nhiều lúc mình vẫn có cái cảm giác bồng bềnh như ngày nào còn ngồi với bạn trên chiếc thuyền vượt biển ra khơi!
       Tôi lên mặt lý sự cốt an ủi Lân:
      -Bạn đừng lý tưởng quá, thời gian nó sẽ xói mòn và làm đổi thay tất cả. Trong cái xô bồ, mình phải gạn lọc để chấp nhận và trân trọng những gì tương đối, bởi rất nhiều anh em, cũng như chúng ta, đành phải "lực bất tòng tâm" trước những ước vọng đó sao!
        Tôi thầm tiếc và tội nghiệp cho Lân, một con người yêu nước, tài ba, can đảm và đức độ như vậy mà chẳng còn một nơi nào để "dụng võ".
         Nhiều lúc thấy Lân trầm ngâm, ngồi im lặng như một thiền sư, tôi tự hỏi, từ ngày chọn con đường tu hành, ngày đêm với kinh kệ, không biết trong lòng Lân có còn nỗi khắc khoải nào không? Tôi ngại không dám hỏi Lân. Mới đây, trong lúc ngồi bên nhau Lân nói với tôi:
      -Bây giờ tôi chỉ còn mong ước hai điều, trước khi chết được thấy đất nước mình đổi thay, không còn Cộng sản, và khi nhắm mắt được có bạn ở bên cạnh để vuốt mắt và niệm cho tôi một bài kinh A Di Đà!
***
      Con chim gỗ trên chiếc đồng hồ treo trong quán cà phê vừa hót lên bảy tiếng. Như vậy là bọn tôi ngồi đây đã ba giờ đồng hồ. Trời không tối nên cứ tưởng còn sớm lắm. Ánh mặt trời vẫn chói chang qua những tàng cây. Tôi đứng dậy dành đi trả tiền. Lân bước ra trước, đứng chờ ở vệ đường, nhắm mắt ngước mặt lên trời. Không biết anh đang cầu nguyện điều gì hay muốn xóa đi, quên hết những gì mà chúng tôi vừa tâm sự, để trở về với cái tâm yên tĩnh của một thầy tu. Anh đứng yên lặng nhưng cái bóng của anh lung linh, sống động trải dài theo bờ con dốc đá. Nhìn cái bóng, tôi mơ hồ như bất ngờ được gặp lại người phi công trẻ, hào hoa, oai hùng, mà mình đã từng quen biết từ một thời nào xa xưa như trong tiền kiếp.
      Bỗng dưng, tôi nhớ tới những đồng đội bạn bè đã hy sinh, nhớ tới những chàng phi công hào hùng đã từng sống chết với đơn vị tôi trong Mùa Hè 1972 và suốt một thời binh lửa. Khi bước đến bên Lân, tôi vẫn thấy anh đứng lặng yên, bất động, hướng mắt nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Trên không gian bao la chỉ có vài áng mây đang chầm chậm bay về phía cuối chân trời.
Phạm Tín An Ninh

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

HÌNH ẢNH VUI


















 
























HO CHI MINH - DARLAK - KONTUM - PLEIKU

NÀNG DÂU NAM KỲ


 NÀNG DÂU NAM KỲ

Mời các bạn xem cho vui.
Người Bắc khó.... thiệt.

Tôi coi lại va ly quần áo và túi xách tay của mẹ chồng một lần nữa, rồi tôi lảnh lót gọi với lên lầu cho thằng con trai:

- Cu Tí ơi, cu Tí à, con sẵn sàng chưa?

Mẹ chồng tôi không hài lòng, trách tôi:

- Con trai lớn tướng mà cứ gọi Cu Tí như thằng bé lên 3 ấy.

- Mẹ ơi, con biết rồi, chỉ gọi giỡn “anh chàng” một chút cho vui mà. Andrew ơi, xong chưa con, chúng ta đi thôi?

Con trai tôi đã đến bên tôi, anh chàng nhìn bà nội âu yếm:

- Cháu cám ơn bà đã nhắc nhở mẹ cháu.

Bà cũng âu yếm nhìn cháu, Andrew lớn giống bố như khuôn như đúc, lại hiền ngoan học giỏi, ra trường là xin ngay được công việc như ý nên bà thương nhiều. Bà khéo léo giục cháu:

- Thì cháu lấy vợ đi, mẹ cháu sẽ không bao giờ gọi là “Cu Tí” đâu. Bà gìa rồi phải cho bà thấy mặt cháu dâu và cả chắt nữa như người anh họ của cháu ở Calif. thì bà mới yên lòng.

Andrew hứa hẹn:

- Vì chúng cháu phải tìm hiểu nhau lâu để thử thách tình yêu nên chưa cho gia đình biết. Vâng, bà cứ đi California chơi, khi bà về cháu sẽ mang cháu dâu tương lai đến trình diện bà và bố mẹ cháu.

Mẹ chồng tôi vui mừng:

- Cháu làm bà sốt ruột, bà chờ đợi mấy năm nay mới nghe cháu hứa một câu làm bà hài lòng đấy.

Tôi cũng vui mừng không kém, hai vợ chồng tôi có con muộn, Andrew là con trai duy nhất, từ ngày Andrew tốt nghiệp đại học, có việc làm vững chắc đã nhiều năm nay tôi giục con cưới vợ mà nó cứ nói chưa có ai, tình yêu chưa đến, nên tôi không nhắc nó nữa. Hôm nay bất ngờ lại có tin vui.

Chúng tôi đưa bà ra phi trường về California, thăm gia đình con trai trưởng. bà sẽ ở chơi Calif. một tháng. Bà chẳng ưa gì con dâu cả, nhưng bà thương con trai và cháu đích tôn nên về thăm họ.

Tiễn bà đi phải đầy đủ mặt con cháu, gồm vợ chồng tôi và Andrew. Tôi hiểu tính mẹ chồng lắm, bao giờ bà cũng muốn được con cháu quây quần chăm lo, qúy mến, chứ không thể xuề xòa, lấy lệ cho xong.

Khi chồng con tôi đang check vé máy bay cho bà, thì bà chợt nhớ ra, dặn dò tôi:

- Chốc nữa về con nhớ đi gởi món tiền ấy về Việt Nam cho mẹ nhé. Lần này ngoài phần tiền của mẹ lại được con cho thêm vài trăm thì cậu Nụ tha hồ sửa nhà cửa. Cậu con già rồi, có căn nhà tử tế thì chết cũng yên lòng nhắm mắt con ạ.


***

Ngày tôi và anh Bông yêu nhau, anh dẫn tôi về “ra mắt” mẹ anh, bà mẹ người Bắc tóc vấn trần cài lược, đôi mắt sắc xảo nhìn tôi không chút thiện cảm. Bà khéo léo hỏi thăm họ hàng tông môn nhà tôi, rồi phán:

- Hai đứa cứ tìm hiểu nhau cho kỹ, chứ Bắc Nam có nhiều điều không hợp nhau đâu.

Anh Bông quả quyết :

- Kỹ từ lâu rồi mẹ ơi, bây giờ chỉ đợi mẹ cho phép hỏi cưới thôi. Thí dụ…ngay ngày mai cũng được.

Bà nghiêm mặt lườm con trai:

- Anh đừng có nhanh nhẩu đoảng, chuyện hôn nhân hệ trọng cả đời.

Thế là mối tình nồng nàn của chúng tôi khựng lại vô hạn định vì mẹ anh chưa đồng ý. Thuở ấy anh Bông đang ở trong quân ngũ, một hôm anh mang về quả lựu đạn, đặt lù lù trên bàn, ngay trước mặt mẹ anh và thống thiết:

- Nếu mẹ không đồng ý cho chúng con cưới nhau thì qủa lựu đạn này sẽ nổ tung chết cả con và cô ấy, và xin mẹ chôn chúng con chung một nấm mồ.

Mẹ anh hoảng hốt lên:

- Ối con ơi, bình tĩnh nào, việc gì phải mang vũ khí đạn dược ra thế!!

Anh ai oán:

- Sống mà không lấy được người mình yêu thì chết cho xong!

Mẹ anh năn nỉ:

- Đừng dại dột con nhé? Vậy con muốn cưới hỏi ngày nào thì mẹ sẽ làm ngày ấy.

Nhờ thế tôi mới sớm được làm dâu của bà, và vì thế bà càng ghét cay ghét đắng tôi.

Mãi sau này chồng tôi mới dám kể cho tôi nghe, mẹ anh đã chê tôi là con gái miền Nam quen ăn trắng mặc trơn, làm đồng nào “xào” đồng ấy, lấy cái “ngữ” này chỉ khổ vào thân, thằng chồng nai lưng đi làm nuôi con vợ ăn tiêu hoang phí.

Anh đành “khủng bố” mẹ bằng qủa lựu đạn, nếu không thì mẹ anh cho tôi đợi tới gìa hay chán qúa tôi đi lấy chồng khác mà thôi. Tôi làm dâu nhà anh, cha anh mất trước đó vài năm. Anh cả đã lấy vợ và ở riêng một năm nay, vì anh cả thuyên chuyển công việc ra miền Trung nên vợ con cũng đi theo, chồng tôi là con thứ cũng là con út, đi lính đóng quân ngay Lái Thiêu, tiện đi về thành phố Sài Gòn mỗi ngày.

Mẹ chồng tôi nắm giữ quyền hành trong nhà, bà đảm đang trông coi cửa hàng bán vật liệu xây cất do chồng để lại, cửa hàng trước cửa nhà rất đông khách nên bận bịu cả ngày, nhưng bà vẫn đi chợ mỗi buổi sáng, quẳng cái gỉo chợ xuống bếp, vắn tắt ra mệnh lệnh cho tôi:

- Thịt bò thái xớ ngang, xào rau muống. Thịt lợn kho mặn, cua gĩa nhuyễn, nấu bát riêu cua cà chua...

Tôi hỏa mù trước những món ăn Bắc này, ở với má, tôi cà nhỏng ăn học và ăn chơi, má dễ dãi hiền lành thôi thì con gái ở với ba má sướng ngày nào thì cứ hưởng, chừng lấy chồng vất vả lo cho chồng con thì giờ đâu mà ăn chơi.

Hôm cuối tuần mẹ chồng tôi mua một con gà sống về ra một mệnh lệnh khác:

- Cắt tiết gà, luộc gà với hành gừng cho thơm, thịt gà phải vừa chín tới. Nước gà nấu bát miến, cho tiết luộc và lòng mề thái nhỏ lên trên.

Tôi rình lúc mẹ chồng không để ý, gọi chồng xuống bếp và than phiền:

- Mẹ anh đang chơi trò rượt đuổi em chạy trối chết luôn, bắt em nấu hết món này tới món kia, mà toàn là những món em chưa biết nấu bao giờ. Anh cứu em với.

- Mẹ đang dậy em nấu nướng đấy, trước lạ sau quen.

- Nhưng em không dám cắt cổ gà, nhìn nó đau em sợ lắm…

Má tôi Nam kỳ dễ tính, mua gà làm sẵn ngoài chợ cho lẹ, còn mẹ anh Bắc Kỳ tính toán chi li từng chút một, mua gà sống sẽ biết chắc con gà ngon vừa ý, và nhất là gía rẻ hơn gà làm sẵn.

Tôi cầm chân và hai cánh gà thật chặt còn mắt thì nhắm lại trong khi chồng tôi cắt tiết, đúng lúc ấy mẹ chồng tôi xuống bếp, giọng bà hùng dũng như một vị tướng mắng mỏ quân sĩ phạm luật:

- Giời ôi, hai vợ chồng mới cắt tiết được con gà cơ à? Này nhé, chị lấy hai chân kẹp cánh, kẹp chân gà và cầm cổ gà cắt vài nhát, dốc ngược gà lên cho chảy hết tiết là xong. Ngày xưa tôi làm dâu, nhà chồng có giỗ Tết một mình tôi cắt tiết một lúc mấy con gà nhanh như chớp.

Chồng tôi bênh tôi:

- Ngày nay khác rồi mẹ ơi, với lại vợ con chân yếu tay mềm…

Bà “mát mẻ”:

- À thì ra ý anh nói tôi vũ phu đấy, còn vợ anh thì yểu điệu thục nữ.
Để đáp lễ lại những món ăn Bắc mẹ chồng đã chỉ dạy, tôi về học cấp tốc má tôi mấy món miền Nam dễ nấu như canh khổ qua nhồi thịt và cá thu kho nước dừa, thì mẹ chồng tôi dẫy nẩy lên:

- Canh mướp đắng ư ? Tôi chịu thôi, không ăn được.

- Cá thu kho nước dừa lợ lợ khó ăn lắm.

Tôi liền đổi sang món “Canh rau tập tàng” cho lạ đời, thì bà mẹ chồng Bắc Kỳ vẫn không chấp nhận. Bà rên siết:

- Canh gì mà lắm loại rau thế này? Nào mồng tơi, rau rền, mướp khía, bù ngót, bắp non. Chị nấu canh nào thì nấu một món rau thôi nhé, đừng hoang phí thế.

Trời ơi, món “Canh rau tập tàng” của miền Nam dân dã hào phóng dùng nhiều loại rau chứ có phải tôi sáng chế ra đâu.

Tôi bất mãn lắm, chỉ muốn bữa nào… trả thù, làm món “Mắm kho quẹt” cho bà ăn, món này rẻ tiền, mặn mà ăn hoài không hết, đỡ tốn, hay cho bà uống nước mưa như ở dưới quê tôi thay cho uống nước trà, tiết kiệm được tiền mua trà, chắc bà sẽ không chê tôi hoang tàn nữa?

Những chuyện “mất lòng nhau” giữa mẹ chồng người miền Bắc và nàng dâu người miền Nam thường xuyên xảy ra.

Ngày giỗ tết gia đình anh cả về nhà, làm cỗ xong tôi cho 2 con anh cả ăn trước thì bị mẹ chồng mắng cho một trận là không biết nề nếp gì cả, trẻ con không được phép ăn trước người lớn. Trong khi trong gia đình miền Nam chúng tôi cứ thoải mái dọn đồ cho tụi nhỏ ăn trước cho rảnh để rồi người lớn ăn sau.

Vốn chẳng ưa tôi, bà thường mang tôi ra so sánh thẳng thừng với nàng dâu cả của bà, nàng dâu Bắc, ăn nói ý tứ lịch lãm, sống căn cơ tằn tiện, biết thu vén trước sau chồng con sẽ được nhờ và chê tôi tuệch toạc bạ đâu nói đó, thích gì làm đó, mua sắm thì bất kể tiền còn nhiều hay ít. Nói trắng ra là tôi đang “phá của” nhà chồng.

Vì yêu chồng nên tôi nhẫn nhịn chịu đựng mẹ chồng, cũng như tôi đã chịu hi sinh bỏ nghề dạy học chỉ để ở nhà phụ mẹ chồng buôn bán.

Tối về tôi chỉ biết khóc rấm rứt với chồng để cho anh vỗ về an ủi, thôi em cố chiều mẹ, sau này mẹ hiểu ra sẽ thương yêu em nhiều. Trời chẳng phụ công, phụ lòng tử tế của ai bao giờ.

Được 1 năm thì biến cố 1975 xảy ra, cả đại gia đình chúng tôi đều vượt thoát đến Mỹ.

Đầu tiên mẹ chồng tôi ở với gia đình anh cả, có nàng dâu Bắc Kỳ mà mẹ từng đắc ý, tấm tắc khen ngoan, hơn nữa anh chị cả có con trai đầu lòng, là cháu đích tôn của bà.

Nhưng khi sống chung lâu dài thì bà và nàng dâu cả lại có sự xung khắc, càng ngày càng nhiều. Mẹ chồng Bắc và nàng dâu Bắc, giống nhau cả tính ý, cả cách ăn ở mà vẫn không thể đi chung đường.

Một hôm chị Bích đã gọi phone cho tôi, thông báo khẩn cấp:

- Em chuẩn bị tinh thần đón mẹ về sống chung đi nhé, mẹ đang đòi về với vợ chồng em đấy.

- Có chuyện gì hả chị?

Chị Bích ấm ức kể:

- Bao nhiêu chuyện lặt vặt xưa nay chị kể em nghe nhiều rồi, chị không chấp, vì mẹ già rồi, tính nết lại khó khăn hơn người ta. Nhưng chuyện này thì không thể, “tiền gìa” mẹ lãnh hàng tháng mẹ cứ bo bo suốt bao nhiêu năm nay, ai đời ăn cây táo đi rào cây cam hở em ! mẹ để dành tiền gởi hết về cho cậu Nụ và thân nhân ngoài Bắc. Mẹ có cho ai thì cũng chừa lại phần mình tí chứ, đến lúc cần gì ở Mỹ thì lại hỏi vợ chồng chị, ai mà chịu được? Chưa hết, mỗi đầu năm bà lại hỏi chính phủ đã “tăng lương” cho mẹ chưa? tiền trợ cấp tăng theo thời gía đắt đỏ ấy mà, mẹ lẩm bẩm nói : “Đừng có tưởng tôi không đọc được tiếng Anh mà lờ đi nhé”. Thế có điên người không? Cứ làm như bà không hỏi, không nhắc nhở là chị sẽ ăn chặn, ăn bớt món tiền ấy không bằng. Chị bực mình gắt lên, thế là bà giận hờn, mắng mỏ chị và đùng đùng đòi về sống với vợ chồng em.

- Hay mẹ giận thì nói thế thôi, chứ mẹ vẫn theo đúng “tôn ti trật tự” là phải sống với con trai trưởng và cháu nội đích tôn mà?

- Không, lần này mẹ sai nguyên tắc rồi. Bằng cớ là mẹ còn…khen em nữa đó, khen nàng dâu miền Nam sởi lởi, dễ chịu và thoải mái hơn dâu Bắc.

Thật thế, mẹ chồng tôi “hi sinh”, thà về sống với gia đình tôi, tiền gìa lãnh ít hơn ở California nhưng bà bảo tinh thần bà thoải mái hơn nhiều, bà lôi chuyện nàng dâu cả ra kể nào là tính toán với bà từng món chi tiêu, nàng khá gỉa thế mà còn muốn bà bớt chút tiền gìa đóng góp hàng tháng v..v… Tôi chẳng biết giữa mẹ chồng và nàng dâu này ai đúng ai sai, vì ai cũng cho là mình có lý cả.

Mẹ chồng sống với tôi, tình thế đảo ngược so với ngày tôi làm dâu bà. Nhà này là nhà của tôi, của cải tiền bạc mẹ chồng tôi mất hết sau khi bỏ nước ra đi. Hiện nay bà sống nhờ tiền xã hội, tuổi đã gìa, không biết tiếng Anh, không thể lái xe, muốn gì cũng phải nhờ con nhờ cháu.

Bản tính tôi hồi nào tới giờ vẫn thế, chi tiêu rộng rãi trong cuộc sống. Tôi đi shopping quần áo cho tôi, nhưng thấy quần áo nào đẹp và tốt thì…sắm luôn cho chồng con và bà mẹ chồng, bà vẫn xót xa như ngày xưa khi tôi chân ướt chân ráo làm dâu nhà bà:

- Con ơi, mua làm gì lắm quần áo thế? một đời ta ba đời nó, quần áo trong tủ cả đống kia đã mặc hết đâu.

Bây giờ bà đã thân mật âu yếm gọi tôi là “con” không gọi bằng “chị” kiểu cách lịch sự như thuở tôi mới làm dâu nữa.

- Theo mùa, theo “mốt” mà mẹ, nhưng con cũng mua lúc đại hạ gía rồi.

Bà đành chịu thua:

- Ừ, con thích thì sắm cho mình con thôi, quần áo mẹ mặc tới chết chưa hết con đừng mua nữa.

Thế mà tôi vẫn cứ mua về vì tôi thấy thích hợp với bà không mua cũng… uổng, dù tôi biết mang về nhà bà lại vừa nhận qùa vừa càm ràm mắng tôi hoang phí và lanh chanh, không ai khiến mà cũng mua.

Đi chợ tôi toàn mua những món đắt tiền, tôi quan niệm tiền nào của ấy, thường xuyên mua cá Tuyết, cá Salmon, cá Bass hơn là cá Catfish, cá đù, cá nục. Thịt bò loại.T-bone Steak, Ribeye Steak hay Sirloin Steak. đương nhiên phải ngon hơn loại thịt vai dai nhách.Trái cây đầu mùa đắt bao nhiêu nhưng tôi cũng mang cả thùng về cho cả nhà cùng hưởng món ngon đầu mùa, chẳng phải nhịn thèm đợi tới giữa mùa.

Mỗi lần mẹ chồng tôi mở tủ lạnh, lui cui dọn dẹp bà lại rên rỉ như khi mình mẩy lên cơn đau nhức:

- Giời ơi là giời! Đồ ăn thức uống mua ê hề thế này, ăn không hết bỏ đi, phí cả tiền và phí của giời.

Tôi đã quen nghe bà cằn nhằn, nên không buồn, mà còn vui đùa:

- Mẹ ơi là mẹ, con phải mua sắm cho chợ búa đắt hàng, kích thích nền kinh tế phát triển. Ăn ngon thì bổ vào thân và cũng là cách hưởng đời.

- Thế con không dành dụm tiền của cho thằng con của con à? Mẹ vì hoàn cảnh, vì biến cố nên trắng tay đã không lo được gì cho con cháu rồi…

- Mẹ nói thế là trả lời rồi đấy, nên con quan niệm có tiền cứ hưởng ngay trong hiện tại, chẳng cần nhịn thèm, nhịn mặc hay từ bỏ những niềm vui tốn tiền nào đó để dốc hết vốn để dành, chồng con của con đã được nếm đủ mùi sung sướng hơn người. Tương lai, con của con sẽ làm ra tiền và tự lo cho nó cũng như vợ chồng con đã tự lo và gây dựng nên nhà cửa, vốn liếng ngày nay.

Tiền trợ cấp hàng tháng mẹ chồng tôi vẫn gởi về miền Bắc, cho người em út của bà là cậu Nụ, người đã kẹt lại không theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Cả một đời cậu nghèo khổ, những năm đất nước chiến tranh, lương công nhân không nuôi nổi vợ và hai con, nên người vợ vốn đã ốm yếu lại càng ốm yếu quanh năm. Thậm chí cậu không đủ tiền mua cái vỏ xe đạp hiếm hoi lắm cơ quan mới có mà phân phối ưu tiên cho công nhân tiên tiến như cậu…

Ngày nay cậu Nụ đã già, vợ chết sớm vì bệnh tật, cậu sống bám vào đám con cháu cũng nghèo khổ, nên mẹ chồng tôi thương xót đã gởi tiền về hàng tháng cho em, mong em sung sướng được ngày nào hay ngày ấy. Ngoài ra bà còn các họ hàng quyến thuộc khác ở quê hương miền Bắc của bà, nay giúp người này mai giúp người nọ, nên tiền bạc lúc nào cũng vơi, cũng không đủ.

Tôi hiểu mẹ chồng tôi và đồng tình với bà, giúp đỡ thân nhân nghèo khó bên Việt Nam vừa là tình thương vừa như làm điều phước thiện. Thỉnh thoảng có những cảnh khổ làm tôi động lòng, đưa thêm tiền cho mẹ chồng gởi biếu họ, coi như tôi theo mẹ làm phước dù những thân nhân như cậu Nụ hay ông chú này, bà bác kia tôi đều chưa biết mặt bao giờ.


***

Mẹ chồng tôi đã trở về từ Calif., bà có vẻ hài lòng với chuyến viếng thăm này. Thật ra khi người ta không hợp nhau khi chung sống, thì hãy sống xa nhau và là khách của nhau sẽ hay hơn. Vợ chồng tôi mừng vì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cả đã hàn gắn được phần nào.

Buổi tối đầu tiên ăn bữa cơm xum họp gia đình, mẹ chồng tôi vẫn nhớ và hỏi Andrew ngay:

- Sao, cháu của bà, hôm nào thì mang cháu dâu tương lai ra mắt cả nhà như cháu đã hứa?

Andrew thăm dò:

- Để cuối tuần sau được không ạ?

Tôi nói:

- Dĩ nhiên là được, với lại mẹ cần chuẩn bị tinh thần cũng như một bữa cơm để chào đón cô khách qúy chứ.

Mẹ chồng tôi cẩn thận:

- Con chưa biết cô gái ấy ra sao mà đã vồ vập thế sao được.

- Ít ra cô gái là bạn của con mình cũng là qúy rồi.

Bà lẩm bẩm:

- Thời buổi này mẹ chồng nàng dâu cứ như là bạn bè ấy, không có khoàng cách gì cả. Cháu ơi, thế cô gái ấy là người miền Nam hay Bắc hở cháu?

Andrew hơi bối rối:

- Sao bà lại hỏi phân biệt thế? Giống như ngày xưa bà đã hỏi bố cháu khi mang mẹ cháu về trình diện bà.

Chồng tôi mỉm cười trấn an con trai:

- Không sao đâu, bà chỉ hỏi cho biết mà thôi. Bây giờ khác xưa rồi.

Andrew ấp úng:

- Cô ấy… không là người miền Nam như mẹ, mà cũng… không là miền Bắc như bố.

Mẹ chồng tôi cởi mở:

- Ừ, bà không phân biệt Bắc Nam như bố mẹ cháu ngày xưa đâu. Bà biết rồi, cô ấy là người miền Trung chứ gì. Con gái Trung cũng chịu khó tần tảo làm ăn và thương chồng con hết lòng lắm.

Chồng tôi phản đối:

- Cứ gì gái Trung hay gái Bắc, gái Nam kỳ như vợ con cũng thương chồng chiều con không ai bằng, lại còn chiều cả mẹ chồng nữa, sẵn sàng bỏ nghề dạy học nhàn hạ, thôi làm cô giáo, ở nhà phụ mẹ chồng buôn bán, bận rộn mịt mù với gạch cát xi măng và tính toán tiền nong cả ngày như một mụ lái buôn chuyên nghiệp.

Mẹ chồng tôi cười hài lòng:

- Điều này thì mẹ công nhận, gái miền nào cũng tốt xấu tùy người. Cô gái cháu yêu và sẽ cưới làm vợ là người miền Trung bà cũng vui vẻ chấp nhận ngay vì cứ là con gái Việt Nam là nề nếp rồi.

Andrew lo lắng đáp:

- Nhưng cô ấy là… người Mỹ bà ơi. Tên là Jessica.

Mẹ chồng tôi buông đũa, ngạc nhiên và bất bình kêu lên:

- Con gái Mỹ? Giời ôi, nó người Mỹ làm sao thích hợp với nhà này?

Vợ chồng tôi nhìn nhau, chia sẻ cái nhìn cùng quan điểm. Tôi lên tiếng trước:

- Thưa mẹ, chuyện lấy vợ Mỹ hay chồng Mỹ là chuyện thường tình. Chúng ta sống ở Mỹ, đây là quê hương thứ hai của chúng ta, những người trẻ lớn lên ở Mỹ, hấp thụ nền văn hóa Mỹ, thì lấy Mỹ đâu có gì là xung đột.

- Nhưng cô gái Mỹ ấy sẽ tiêu xài kiểu Mỹ khổ thân cháu tôi. Sẽ tan nhà nát cửa…

- Sống ở Mỹ tiêu xài kiểu Mỹ là đúng rồi mẹ à… Chừng nào sống ở Việt Nam mà tiêu xài kiểu Mỹ thì mẹ hãy lo.

Chồng tôi tiếp lời tôi:

- Mẹ cứ yên tâm, phần đời ai nấy lo, ngày xưa mẹ cứ chê nhà con là gái Nam ăn tiêu hoang phí, mà bây giờ vẫn nên nhà nên cửa và chính mẹ lại hợp với nàng dâu Nam kỳ đấy, còn Andrew, chúng ta hãy tôn trọng quyết định của nó.

Andrew có vẻ buồn buồn vì bà nội không vui, anh chàng không ăn cơm nữa, đứng lên đi nhanh về phòng, làm mẹ chồng tôi hoảng lên:

- Nó đi đâu đấy? Hay là lại tìm quả lựu đạn như bố nó năm xưa ra hù dọa tôi?

Tôi trấn an bà:

- Nó có đi lính như bố nó đâu mà có sẵn lựu đạn.



Nguyễn Thị Thanh Dương